92,55% Đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

22/11/2019 05:00 PM


Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 22/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Kết quả biểu quyết

Kết quả biểu quyết cho thấy: có 442/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,55% tổng số đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Gồm 9 Chương, 52 Điều, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Công dân Việt Nam có các quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này; người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử; được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật này; được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác; sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật cũng quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh; làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài; tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh; sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước; lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam;...

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020./.

PV