Nâng cao việc thực thi pháp luật phòng cháy, chữa cháy
13/11/2019 04:44 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 13/11, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018 và thảo luận tại Hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.
Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật PCCC giai đoạn 2014-2018. Nguồn ảnh: Daibieunhandan.vn
Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác PCCC. Mặc dù vậy, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… nên đã hạn chế ý thức về PCCC của người dân ở nhiều nơi, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa.
Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các vụ cháy, nổ, giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án. Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3 nghìn vụ cháy từ khi phát sinh.
Về công tác xây dựng lực lượng PCCC, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng PCCC, trong đó, tập trung xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ mà lực lượng dân phòng giữ vai trò nòng cốt tại địa bàn dân cư theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ thành lập lực lượng PCCC ở cơ sở còn thấp so với quy định.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số giải pháp. Trong đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại; chỉ đạo rà soát, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PCCC; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan đến PCCC; ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị; chỉ đạo bố trí ngân sách PCCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác xã hội hóa PCCC; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế về PCCC; có chính sách phù hợp khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở PCCC, nghiên cứu, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC, tham gia hoạt động PCCC.
Cùng với đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCCC; tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật; việc bảo đảm các điều kiện PCCC; hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; công tác xây dựng lực lượng PCCC, đầu tư kinh phí, mua sắm trang bị, phương tiện, thực hiện chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về PCCC
Tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nhận định, đánh giá và đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và dành sự quan tâm đặc biệt đối với trách nhiệm để xảy ra tình trạng cháy, nổ thời gian vừa qua.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) phát biểu. Nguồn ảnh: Daibieunhandan
Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC nhằm ngăn chặn giảm thiểu số vụ, thiệt hại do cháy nổ gây ra, ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong PCCC, từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ cho công tác chữa cháy.
Về phòng cháy chữa cháy rừng, ĐBQH đề nghị, chính quyền địa phương, kiểm lâm cùng với chủ rừng phối hợp chặt chẽ để thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC rừng.
Về khắc phục hậu quả sau khi cháy, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai kiến nghị: Phải bảo đảm sức khỏe cho người dân sinh sống trong khu vực xảy ra hỏa hoạn; tổ chức khám sức khoẻ miễn phí theo yêu cầu của người dân sinh sống trong khu vực; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, nhằm giảm xuống mức thấp nhất các tác động đến sức khỏe và môi trường; thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường; xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra cháy hoặc bồi thường, khắc phục thiệt hại không hiệu quả.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết cần làm rõ yêu cầu tăng cường giám sát, quản lý đối với một số loại hình, các địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao; việc thể hiện tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy không chỉ thể hiện ở Nghị quyết, trên văn bản, mà phải cụ thể bằng hành động, cách làm cụ thể.
Công tác PCCC được xác định “phòng là chính”, đặc biệt phải có những giải ngăn ngừa từ các bên liên quan, từ cơ quan chức năng và nhất là người dân… Do đó, trong nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động của các cá nhân, đơn vị trong phòng, chống cháy nổ.
Về công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ trong các trường học, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, cần xem xét toàn diện về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong các nhà trường nhằm đảm bảo tốt khâu phòng ngừa, tránh để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng. Đại biểu kiến nghị, cần làm tốt công tác tuyên truyền về PCCC, cứu hộ, cứu nạn tại các nhà trường, không coi đây là phong trào mà cần coi là một hoạt động có tính chất bắt buộc vì sự an toàn của học sinh và của cả nhà trường; kịp thời chấn chỉnh, quán triệt nhận thức của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm những trường hợp chủ quan, lơ là với nhiệm vụ PCCC trong nhà trường.
Toàn cảnh Phiên họp sáng 13/11/2019 do Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành. Nguồn ảnh: Daibieunhandan.vn
Nâng cao tính chủ động trong công tác PCC
Giải trình làm rõ một số nội dung ĐBQH đề cập tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, hiện nay có ba luật liên quan đến công tác PCCC là Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Nhà ở. Trong những văn bản này đã có những quy định cụ thể về các khâu trong xây dựng, như phê duyệt dự án, kỹ thuật, kiểm tra hệ thống PCCC… Đặc biệt, trong Luật Nhà ở có quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư về PCCC.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận, các quy định pháp luật về công tác này còn nhiều hạn chế, nội dung lạc hậu, thiếu quy định đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của việc phát triển đô thị. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến cháy nổ vẫn chưa nghiêm. Đồng tình với nhiều giải pháp ĐBQH nêu ra, Bộ trưởng cho biết, sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy chuẩn về PCCC…
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, ý kiến các ĐBQH cơ bản tán thành với Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”; đồng thời, đánh giá cao Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan đã làm việc tích cực, trách nhiệm trong quá trình triển khai chuyên đề giám sát. Báo cáo kết quả giám sát đã cơ bản đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Chuyên đề giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình cháy nổ.
Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến cho rằng dự thảo Nghị quyết tương đối đầy đủ, sát với kết quả giám sát, tuy nhiên, cần rà soát kỹ các kiến nghị, các chỉ tiêu giao Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương để cụ thể hóa, tăng cường tính chủ động trong công tác PCCC, gắn với trách nhiệm và đặt ra yêu cầu cụ thể đối với từng đối tượng, tránh chung chung, bảo đảm khả thi, tiện cho giám sát.
Trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu, hạn hán, hanh khô còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần có các giải pháp phù hợp nhằm nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm của tất cả các đối tượng, lực lượng trong công tác PCCC, từ đó, hạn chế, loại trừ được các nguyên nhân gây cháy, tiến tới giảm thiệt hại về người và tài sản trong cháy, nổ góp phần bảo đảm sự bình an của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung quyết tâm hoàn ...
BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh 5 nhóm tiện ích trong cải cách thủ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?