Quốc hội tiếp tục thảo luận các báo cáo về công tác tư pháp

05/11/2019 03:39 PM


Sáng 05/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải trình về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết về công tác tư pháp. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

Tại Phiên thảo luận, các Đại biểu Quốc hội tán thành với các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Đa số Đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2019, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta nhưng Chính phủ và các cơ quan trong ngành tư pháp đã triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện đã đạt và vượt các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra với ngành Tư pháp.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo; tội phạm xâm hại trẻ em trẻ em; tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp, hoạt động “tín dụng đen”; tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...

Về thực trạng môi trường bị xâm hại nghiêm trọng đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Để xử lý triệt để các vi phạm về bảo vệ môi trường, các đại biểu đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; khởi tố vụ án, nếu xét thấy có dấu hiệu của tội phạm.

Cải cách tư pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công tác Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, từ năm 2012 đến nay, Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết liên quan đến công tác tư pháp. Trong đó, đề ra nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể yêu cầu Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Việc Quốc hội đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ với các cơ quan tư pháp là cần thiết, nhằm định lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, có căn cứ để giám sát, quản lý ngành và quan trọng hơn là để các cán bộ thực thi nhiệm vụ có căn cứ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể hội trường. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn thi hành các nghị quyết vừa qua cho thấy, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ được nêu trong các Nghị quyết này đến nay đã không còn phù hợp với tình hình mới. Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết chung về công tác tư pháp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc xác định các chỉ tiêu mới trong ngành Tư pháp, cần bảo đảm cân đối giữa bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tư pháp; căn cứ vào yêu cầu của cải cách tư pháp và yêu cầu của các Bộ luật, luật về tư pháp; từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp trong những năm gần đây để xác định các chỉ tiêu mới; bảo đảm tính khả thi từ những điều kiện thực tế của các cơ quan tư pháp về  cán bộ, cơ sở vật chất, số lượng án tăng, tính phức tạp của các vụ án...

Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết chung về công tác tư pháp, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp trong các nghị quyết trước đây Quốc hội đã ban hành. Đồng thời, điều chỉnh một số chỉ tiêu, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã giải trình làm rõ một số nội dung được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong 1,5 ngày vừa qua./.

PV