Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình những vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm
01/11/2019 10:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận toàn thể hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, chiều ngày 31/10, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình về những nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính 3 năm 2020-2022.
Phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Về thu ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 4 năm qua thu ngân sách nhà nước đều vượt dự toán. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp vượt thu của ngân sách trung ương. Các chỉ tiêu về tổng thu, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước và cơ cấu thu nội địa cơ bản đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Trong đó tổng thu 5 năm ước đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 24,4% GDP, trong đó từ thuế, phó xấp xỉ 21%GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến 2020 đạt 84% trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Cơ cấu chi ngân sách nhà nước được chuyển dịch tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch 5 năm. Trong đó, tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển tăng dần (năm 2017 là 25,7% đến năm 2020 dự toán chi cho đầu tư phát triển khoảng 26,9%) và thực hiện 5 năm, ước đạt 27-28% tổng chi ngân sách nhà nước. Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt thực tế là 2.150.000 tỷ đồng. Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần (dự toán năm 2017 là 64,4% đến năm 2020 dự kiến là 60,5% nếu được Quốc hội thông qua). Mục tiêu của kế hoạch là dưới 64% trong khi vẫn đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các nhiệm vụ chi cho quốc phòng – an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác.
Dự toán chi thường xuyên giao cho các Bộ, các cơ quan trung ương và địa phương được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp. Lũy kế 5 năm do giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước đạt 27.000-28.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh thực chất hơn nữa nhiệm vụ tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận công tác ngân sách nhà nước cũng có những khó khăn như nhiều đại biểu đã chỉ ra. Để cải thiện vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu để tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chính sách thu vừa đảm bảo tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, đồng thời huy động hợp lý cho ngân sách nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, phải tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm ở mức cao nhất. Đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách thu, các quy định về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Về thu ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán trong khi thu từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán có nguyên nhân chủ quan của việc giao dự toán.
Những năm qua do thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm nhanh, dự toán năm 2020 thu dầu thô chiếm 2,3% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,8%. Thu tiền sử dụng đất 6% nên dự toán thu hàng năm tập trung vào 3 khu vực kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách nhà nước. Dự toán năm 2020, 3 khu vực kinh tế chiếm 45% và cũng tập trung vào các địa phương trọng điểm về kinh tế.
Xét về mặt bền vững ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vẫn cho rằng thu ngân sách nhà nước đang ngày càng bền vững hơn. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng và cốt lõi, dự toán thu nội địa năm 2020 ở mức 83,6% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, riêng thu từ 3 khu vực kinh tế đạt gần 45% tổng thu ngân sách nhà nước và năm 2017 mới đạt 39%, tỷ lệ này đang tăng lên rất là nhanh. Thu tiền sử dụng đất năm 2020 chỉ chiếm 6% và thu quyền khai thác khoáng sản chiếm 0,3% tổng thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng phát biểu làm rõ các nội dung liên quan đến việc rà soát, đánh giá tình hình để có đề xuất sửa đổi tổng thể chính sách ưu đãi thuế, sửa đổi, bổ sung các luật về thuế; công tác chống thất thu, thu hồi nợ thuế và việc điều chuyển tài sản từ tỉnh lộ về thành quốc lộ từ các địa phương về Bộ Giao thông vận tải quản lý./.
PV (theo quochoi.vn)
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?