Bước thí điểm quan trọng tiến tới thực hiện BHXH tập trung, thống nhất

Hợp nhất tổ chức BHXH trong và ngoài quốc doanh: Bước thí điểm từ Hà Nội

30/09/2019 02:45 PM


Sau một thời gian triển khai thí điểm mô hình Công ty BHXH thực hiện thu BHXH ngoài quốc doanh, đặc biệt là với những nghiên cứu của Đề tài “Đổi mới sự nghiệp BHXH trên địa bàn TP. Hà Nội” đã đưa ra những tổng kết lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng, là tiền đề để Hà Nội thực hiện hợp nhất tổ chức BHXH trong và ngoài quốc doanh...

Ngày 31/10/1992, UBND TP.Hà Nội ký Quyết định số 2654-QĐ/UB thành lập BHXH TP.Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Công ty Bảo hiểm xã hội ngoài quốc doanh với bộ máy sự nghiệp BHXH trong khu vực nhà nước từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển sang. Như vậy, tại Hà Nội, chỉ sau chưa đầy 03 năm triển khai thí điểm BHXH ngoài quốc doanh, sự nghiệp BHXH đã được tập trung vào một đầu mối, một tổ chức thống nhất. Đây có thể nói là bước đột phá về mặt tổ chức, bước đầu làm thay đổi nhận thức của nhiều người về BHXH đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, tạo điều kiện để BHXH TP.Hà Nội tiếp tục nghiên cứu những nội dung tiếp theo mang tính nghiệp vụ BHXH, từng bước hoàn thiện cơ chế vận hành của tổ chức BHXH thống nhất. Với biên chế tăng lên 45 người, trụ sở 22 Lý Thái Tổ không đáp ứng được yêu cầu công việc, tháng 11/1992, BHXH TP.Hà Nội chuyển trụ sở làm việc về số 72 Triệu Việt Vương, Quận Hai Bà Trưng.

Nhằm khắc phục những bất cập của việc thực hiện chính sách BHXH trong thời kỳ kinh tế bao cấp, từng bước xác lập cơ chế quản lý BHXH không chỉ theo đơn vị mà quản lý đến từng người lao động tham gia BHXH làm cơ sở giải quyết chế độ khi có phát sinh, ngày 26/05/1992, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 1163-QĐ/KHKT về việc giao BHXH TP.Hà Nội thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng thí điểm cấp sổ BHXH cho người lao động”. Đây là bước đi tiếp nối để nghiên cứu xây dựng một cơ chế quản lý thích hợp theo mô hình tổ chức BHXH tập trung thống nhất.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát phân tích nhu cầu và quy mô của đối tượng tham gia BHXH trong năm 1992 và dự báo biến động của số đối tượng này trong các năm tiếp theo. Đề tài còn tập trung phân tích tính chất và các quan hệ nghiệp vụ, xây dựng quy trình quản lý thu BHXH và những thay đổi có liên quan đến chỉ tiêu thu, chi về BHXH, mục tiêu và quan hệ trong quản lý người lao động tham gia đóng BHXH, kết quả nghiên cứu đề tài đã đưa ra được một hệ thống mẫu biểu, mẫu sổ theo dõi quá trình đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Về hệ thống mẫu biểu quản lý bao gồm Phiếu đăng ký tham gia đóng BHXH của đơn vị; Tờ khai đăng ký đóng BHXH của người lao động; Biểu theo dõi đóng BHXH của cá nhân; Biểu theo dõi kết quả đóng BHXH của đơn vị. Về mẫu sổ BHXH gồm 04 trang, 01 tờ gấp với thiết kế gọn nhẹ, dễ bảo quản, theo dõi và có thể ghi chép liên tục trong 40 năm (khoảng thời gian của người có thời gian tham gia BHXH dài nhất có thể). Trong sổ BHXH thể hiện đầy đủ các thông tin phục vụ quản lý về mức đóng, thời gian đóng BHXH của từng người lao động với thời gian liên tục dài nhất khoảng 40 năm.

Kết quả nghiên cứu cũng đã xây dựng được quy trình theo dõi quản lý việc đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Trong đó có theo dõi từ khi người lao động đăng ký tham gia đóng BHXH, quá trình đóng và di chuyển nơi đóng BHXH (nếu có) đến khi kết thúc quá trình đóng BHXH và chuyển sang làm thủ tục hưởng BHXH. Mô hình quản lý ba bên được đưa ra, đó là: người lao động - chủ sử dụng lao động và cơ quan BHXH. Với giá trị ứng dụng cao, bám sát thực tiễn nghiệp vụ BHXH, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Ngay sau khi được nghiệm thu, Đề tài đã được triển khai áp dụng vào thực tế quản lý đóng BHXH trong khu vực liên doanh với nước ngoài, được chủ sử dụng lao động và người lao động hưởng ứng. Đến hết năm 1992, sổ BHXH cá nhân cùng các biểu mẫu theo dõi, quản lý đã được in, phát hành và sử dụng trong phạm vi toàn TP.Hà Nội. Trên 2.000 cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH với trên 300.000 lao động được đưa vào hệ thống quản lý của BHXH TP.Hà Nội. Đây thực sự là một thành công rất lớn trong việc đổi mới cơ chế quản lý BHXH.

Hợp nhất BHXH trong và ngoài quốc doanh, quản lý đến từng đơn vị và người lao động tham gia BHXH, với trên 2.000 đơn vị và khoảng 300.000 người lao động tham gia BHXH, khối lượng công việc của BHXH TP.Hà Nội ngày càng trở nên quá tải khi số biên chế không tăng. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý BHXH là yêu cầu cấp thiết. Ngày 12/03/1993, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 1035/QĐ-UB giao BHXH TP.Hà Nội thực hiện đề tài khoa học “Ứng dụng máy vi tính vào quản lý hoạt động nghiệp vụ BHXH”. Với việc thực hiện đề tài này, BHXH thành phố đã đạt được một số mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống sổ sách, tài liệu, biểu mẫu theo dõi làm cơ sở ban đầu để đưa thông tin vào quản lý bằng máy vi tính; Xây dựng được một chương trình phần mềm trên máy vi tính để quản lý các hoạt động về BHXH, chương trình này đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, logic và phù hợp với yêu cầu quản lý đóng và chi trả BHXH; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý và sử dụng máy vi tính cho một số cán bộ, nhân viên trong cơ quan BHXH TP. Tại cơ quan BHXH thành phố đã lắp dặt 06 máy vi tính, 03 máy in, 02 máy photocopy. Đội ngũ nhân viên sử dụng máy vi tính cơ bản đã vận hành tốt chương trình quản lý, nhờ đó công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ về BHXH đã đạt hiệu quả cao thể hiện qua khối lượng thông tin lưu trữ phục vụ quản lý, khả năng cung cấp thông tin nhanh và chính xác.

Như vậy, chỉ trong gần 04 năm thực hiện thí điểm (1990-1993), 03 đề tài khoa học của BHXH TP.Hà Nội chủ trì nghiên cứu và ứng dụng thành công đã góp phần khẳng định, đổi mới cơ chế chính sách và mô hình tổ chức hoạt động BHXH là yêu cầu tất yếu, phù hợp với việc đổi mới cơ chế kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thành công của BHXH TP.Hà Nội với những kết quả nghiên cứu khoa học là thực tiễn quan trọng đóng góp cho việc xem xét thành lập BHXH Việt Nam sau này. Với những đóng góp xuất sắc, năm 1996, BHXH TP.Hà Nội đã được UBND thành phố tặng thưởng Giải thưởng Thăng Long cho công trình “Đổi mới sự nghiệp BHXH Hà Nội giai đoạn 1991-1995” được đánh dấu bằng 03 đề tài nghiên cứu khoa học nêu trên./.

ThS. Dương Ngọc Ánh