Đầu tư y tế cơ sở, giảm quá tải bệnh viện, hỗ trợ người dân tham gia BHYT
25/09/2019 10:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người tham tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế”
Đây là một trong những nhiệm vụ lớn tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội giao Chính phủ thực hiện. Chính phủ đã có Báo cáo số 413/BC-CP ngày 20/9/2019 báo cáo Quốc hội về thực hiện nhiệm vụ này, với nhiều kết quả tích cực.
65% trạm y tế xã đạt chuẩn
Với nhiệm vụ “Đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế xã.
Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế triển khai một số dự án ODA để hỗ trợ đầu tư cho các trạm y tế vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn như: Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đầu tư xây mới, sửa chữa 58 trạm y tế cho 3 tỉnh: Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum; dự án hỗ trợ hệ thống y tế do Qũy toàn cầu viện trợ không hoàn lại, đầu tư trang cho các trạm y tế xã 15 tỉnh miền núi phía Bắc; Bộ Y tế đã dành một phần ngân sách của Chương trình hỗ trợ ngân sách Ngành do EU viện trợ không hoàn lại để xây mới, cải tạo, nâng cấp 395 trạm y tế xã…
Hiện nay, cả nước đã có khoảng 65% số trạm y tế xã đạt Tiêu chuẩn quốc gia về y tế. Với khoảng 35% số trạm y tế xã cần đầu tư, nâng cấp còn lại, báo cáo Chính phủ nhận định, đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn tài chính. Do đó, Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội để có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Đầu tư, hiện đại hóa y tế cơ sở là mục tiêu Quốc hội đề ra (Ảnh minh họa)
Quá tải bệnh viện được cải thiện
Về nhiệm vụ “Đến năm 2020, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương”, Chính phủ đã triển khai thực hiện Đề án giảm tại quá tải bệnh viện giai đoạn 2018 - 2019. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực tổ chức, triển khai, chỉ đạo, xây dựng văn, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm quá tải bệnh viện tuyến tỉnh (chủ yếu ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) và tuyến trung ương. Các giải pháp được thực hiện gồm: đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng bệnh viện; xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách y tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện và bảo đảm tiến độ. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Theo kết quả khảo sát tại các bệnh viện trên toàn quốc năm 2018 cho thấy, so với thời điểm trước khi triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện (năm 2013) đã có 5.078 khoa lâm sàng, cận lâm sàng được cải tạo, nâng cấp và xây mới. Tại bệnh viện tuyến trung ương, những chuyên khoa quá tải hàng đầu là: Khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản nhi cũng đều có xu hướng giảm như: Bệnh viện Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh 168% năm 2011 giảm còn 112% năm 2018; Bệnh viện K công suất sử dụng giường bệnh 249% năm 2011 giảm còn 98% năm 2018; Bệnh viện Chợ Rẫy công suất sử dụng giường bệnh 154% năm 2011 giảm còn 95% năm 2018…
Hàng chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân tham gia BHYT
Về nhiệm vụ thứ 3, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xây dựng và ban hành các Thông tư quy định giá dịch vụ KCB theo lộ trình thực hiện mục tiêu: Đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở KCB sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Trong năm 2018, Chính phủ đã sử dụng khoảng 31.140 tỷ đồng, năm 2019 sử dụng khoảng 32.300 tỷ đồng chi sự nghiệp y tế để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách tham gia BHYT góp phần đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số tham gia BHYT đến tháng 8/2019.
Quyền lợi của người người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên rõ rệt vì không phải trả thêm hoặc tự mua một số thuốc, vật tư mà trước đây giá thấp người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do quỹ BHYT không thanh toán.
Bên cạnh đó, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 240 cơ sở y tế tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên; 1.250 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên. Các địa phương cũng thực hiện giảm cấp chi lương từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của 55 tỉnh, thành phố cho thấy, năm 2018 ngân sách cấp cho các bệnh viện đã giảm khoảng 8.947 tỷ đồng so với năm 2015, góp phần từng bước thực hiện chủ trương chuyển ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?