Tự chủ bệnh viện: Tránh rơi vào “bẫy lãng quên” y tế cơ sở
23/09/2019 04:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 20/9/2019, tại Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Định hướng chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực y tế". Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh hội nghị.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận nhiều vấn đề đang đặt ra hiện nay trong lĩnh vực y tế như việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ bệnh viện; góp ý dự thảo báo cáo Tổng kết Chỉ thị 38-CT/TW về BHYT và chỉ ra nhiều vướng mắc đặt ra trong tình hình mới như bảo đảm công bằng và hiệu quả trong BHYT, thực tiễn và một số khuyến nghị sửa đổi Luật BHYT, các mô hình quản lý BHYT; tình hình dịch HIV/AIDS và công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, tầm quan trọng của ức chế virus HIV đối với người bệnh, cán bộ y tế và cộng đồng; thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về lĩnh vực y học cổ truyền. Nhiều kinh nghiệm, vướng mắc và vấn đề đặt ra trong thực tiễn lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại các địa phương đã được chia sẻ tại Hội thảo.
Tại hội thảo, vấn đề tự chủ, xã hội hóa bệnh viện đã được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Theo các đại biểu, thời gian qua, việc tự chủ, xã hội hóa đã mang lại nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Khảo sát của tổ chức sáng kiến Việt Nam cho thấy tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng lên 80,8%.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, tổng hợp từ 55/63 tỉnh thành, thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ bệnh viện, ngân sách giảm từ 8.889 tỷ đồng (năm 2018 so với 2015) và nguồn này được chuyển sang hỗ trợ mua BHYT, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm 562 tỷ đồng. Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 26 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên, giảm được 30.826 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 2.900 tỷ đồng/năm. Y tế tư nhân phát triển nhanh về số lượng và quy mô, đến 2018 đã có 206 bệnh viện, trên 30.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% dịch vụ nội trú cho người dân. Số người tham gia BHYT ngày càng tăng, từ 43,76% năm 2009 lên 88,5% năm 2018, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 68/2013/QH13…
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) báo cáo tại hội thảo.
Tuy nhiên, tự chủ, xã hội hóa cũng đang đặt ra nhiều vấn đề như nhiều bệnh viện tuyến dưới, vùng khó khăn còn thiếu nhân lực, trang thiết bị nên khó khăn trong thu hút xã hội hóa, thực hiện tự chủ các hoạt động chuyên môn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cảnh báo, đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ là chủ trương đúng hướng hiện nay, song cũng cần coi chừng rơi vào bẫy “lãng quên” y tế cơ sở.
Hiện nay vẫn chưa ban hành được các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bệnh viện, chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ, lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm. Tại một số địa phương, nhiều đơn vị chưa bảo đảm được chi thường xuyên nhưng vẫn giao tự chủ chi thường xuyên dẫn đến khó khăn trong hoạt động, nhiều định mức chi chưa được quy định hoặc lạc hậu, không phù hợp với thực tế nên khó khăn cho bệnh viện, trình độ quản lý tài chính của nhiều đơn vị còn hạn chế trong giai đoạn chuyển đổi.
Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến xoay quanh những đề xuất về việc nên chăng giao quyền tự chủ cho từng đơn vị, cơ sở trực thuộc bệnh viện theo các nhóm khác nhau, phân định rõ số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước phải thực hiện tinh giảm, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước do đơn vị tự chi trả lương từ nguồn thu…
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vấn đề xã hội hóa và tự chủ, là chủ trương của Đảng từ Đại hội XII và thể hiện trong nhiều Nghị quyết. Thời gian qua, đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng bộc lộ một số vấn đề như hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, tăng thu, lạm thu, đẩy vấn đề sang tự chủ quá nhanh, làm khó khăn trong duy trì, phát triển của y tế địa phương…
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long khẳng định, cần hoàn thiện sớm các vấn đề pháp luật, minh bạch hóa quá trình quản lý, mặc dù xã hội hóa, tự chủ nhưng nhà nước vẫn phải đảm bảo tăng đầu tư, cân bằng giữa nhiệm vụ chuyên môn và thu hút tự chủ. Tăng cường chỉ đạo tuyến trên với tuyến dưới, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, để tạo ra sự cân bằng và phát huy tốt hệ thống y tế cơ sở…/.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?