Tuyên truyền chính sách về việc làm và BH thất nghiệp: Phát huy vai trò của báo chí

20/09/2019 11:09 AM


Các cơ quan báo chí, truyền thông là cầu nối quan trọng để tuyên truyền thể chế, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, BHXH… tới người lao động. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả truyền thông, các cơ quan chủ quản cần định hướng cho các cơ quan báo chí trong công tác này một cách cụ thể, sâu sát.

Hội nghị Truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí vừa được Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức tại TP.Cần Thơ.

Báo chí đồng hành cùng người lao động về lĩnh vực việc làm. Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục việc làm Lê Quang Trung nhấn mạnh, những năm qua, lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, BH thất nghiệp đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương.

Từ năm 2018 đến nay, hoạt động tuyên truyền về lĩnh vực này đã được các cơ quan báo chí tăng cường hơn về số lượng, tần suất, chất lượng; nội dung đã định hướng, phản ánh được chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về việc làm; góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện các chính sách. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trung, hiện nay còn nhiều người chưa biết đến những chính sách này,vì vậy, để các chính sách này được lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động thì vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí càng trở nên quan trọng.

Ông Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động Xã hội cho rằng, các cơ quan báo chí đã bắt đầu hình thành những nhóm nhà báo chuyên viết về việc làm, quản lý lao động BH thất nghiệp mặc dù đây là lĩnh vực bị coi là "khô khan", không hấp dẫn bạn đọc so với các lĩnh vực khác. Song, theo ông Diễn, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động tuyên truyền về việc làm vẫn có những hạn chế nhất định như: Công tác tuyên truyền, thông tin chưa mang tính trọng tâm, trọng điểm, nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết còn chưa được các cơ quan truyền thông khai thác sâu. Hiện, cũng chưa có tờ báo điện tử nào chuyên về việc làm, mà chỉ có các website của Cục Việc làm và các Trung tâm Dịch vụ Việc làm. Những tờ báo có số lượng truy cập lớn lại không có chuyên trang về việc làm, mà thông thường ghép chung với trang Xã hội, Đời sống…

Ông Diễn đề nghị, các cơ quan quản lý cần có định hướng truyền thông cho các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực một cách cụ thể. Về phía cơ quan báo chí cần coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ chính trị quan trọng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia truyền thông trong lĩnh vực việc làm, quản lý lao động và BH thất nghiệp; thường xuyên tổ chức các sự kiện tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp và các nhân có đóng góp tích cực trong lĩnh vực này…/.

PV