Thực hiện BHXH cho người lao động trong ngành Hợp tác xã nông nghiệp - Những bước đi đầu tiên
09/09/2019 09:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ năm 1983, thực hiện Quyết định số 154/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, một số hợp tác xã thuộc các tỉnh Hà Tây, Hải Dương, Thái Bình… với mức độ khác nhau đã tổ chức thực hiện chế độ BHXH tuổi già cho xã viên. Cùng với kết quả thực hiện BHXH cho người lao động trong Ngành Tiểu thủ công nghiệp, đây là những cơ sở thực tiễn quan trọng để mở rộng BHXH cho người lao động khu vực kinh tế ngoài quốc doanh sau này...
Do chưa có chủ trương thống nhất, việc hình thành quỹ, quy định mức thu, chi khác nhau ở các địa phương. Chế độ BHXH nông dân (quỹ hưu trí nông dân) chủ yếu được xây dựng ở vùng nông dân có thu nhập, đời sống khá; hoạt động của Hội Nông dân mạnh; quỹ hưu trí nông dân do Hội Nông dân đứng ra tổ chức trên cơ sở kết hợp sự trợ giúp của hợp tác xã, chính quyền địa phương... Điển hình cho mô hình này là các hợp tác xã nông nghiệp thuộc xã Vân Tảo, huyện Thường Tín và nhiều xã ở huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
Cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ hưu trí nông dân được quy định cụ thể như sau: Nguồn quỹ chủ yếu do nông dân tự nguyện tham gia xây dựng bằng cách nông dân trẻ đóng nhiều lần, còn nông dân già thì đóng ít lần hơn hoặc đóng một lần, nhưng tổng số thóc đóng góp của nông dân trẻ và nông dân già bằng nhau. Mức đóng góp của một xã viên trong toàn bộ quá trình tham gia lao động từ 80kg thóc (như ở huyện Tiên Sơn, Hà Bắc). Hợp tác xã hỗ trợ bằng cách giao diện tích đất sử dụng để nông dân, Hội Nông dân sử dụng. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, số dư được nhập vào Quỹ BHXH. Ngân sách xã trích sang ủng hộ quỹ hưu trí nông dân 01%/năm (mỗi xã trích 04 - 05 triệu/năm cho quỹ). Ngoài ra, còn có tiền lãi gửi tiết kiệm cũng được cộng vào quỹ. Quỹ được sử dụng để chi trả cho người đóng đủ số theo quy định và đủ tuổi (60 tuổi cho cả nam, nữ). Mức hưởng lương hưu dao động từ 10.000 - 18.000 đồng/tháng. Quỹ do Hội Nông dân Việt Nam quản lý, dựa vào bộ máy có sẵn, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, các chi hội nông dân (mỗi chi hội có 30 - 50 chủ hộ gia đình, mỗi hộ có từ 03 - 05 người).
Từ kết quả thực hiện BHXH cho người lao động của ngành Tiểu thủ công nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp có thể thấy, việc thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động trong khu vực kinh tế tập thể nói riêng và người lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh nói chung đã trở thành một đòi hỏi khách quan. Bởi chính sách BHXH không chỉ đảm bảo đời sống của người lao động khi gặp rủi ro, mà còn tạo thêm động lực phát triển sản xuất, thiết lập sự công bằng về quyền lợi - nghĩa vụ của họ đối với các chính sách kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian này, do chưa có sự chỉ đạo thống nhất của Nhà nước nên việc thực hiện chế độ BHXH cho nông dân, người lao động còn một số vấn đề tồn tại, đó là:
Thứ nhất, do Nhà nước chưa xây dựng và ban hành chính sách BHXH riêng cho lao động ngoài quốc doanh nên phần lớn các ngành, các địa phương đều dựa theo chính sách BHXH bắt buộc cho công chức, viên chức để quy định chế độ BHXH cho những đối tượng này, dẫn đến không phù hợp với đặc điểm lao động, tiền lương, thu nhập và quan hệ lao động trong các đơn vị kinh tế tập thể.
Thứ hai, do chưa có sự chỉ đạo, quản lý nhà nước thống nhất, nên việc quy định mức đóng góp và quản lý Quỹ BHXH chưa phù hợp. Quỹ BHXH được hình thành từ các nguồn đóng góp với mức thấp nên ở nhiều địa phương đã không đảm bảo cân đối thu - chi.
Thứ ba, các chế độ BHXH cho nông dân, người lao động làm việc trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ra đời từ năm 1982, trong cơ chế bao cấp, được Nhà nước bao cấp lương thực và cung cấp một số mặt hàng thiết yếu nên trợ cấp BHXH tạm đủ cho cuộc sống. Nhưng đến giai đoạn sau này, đặc biệt là từ năm 1986, do chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, hạch toán kinh doanh, các mặt hàng bao cấp không còn nữa, giá cả biến động, mức trợ cấp thực tế giảm trong khi đó Nhà nước không có chính sách đảm bảo về tài chính cho Quỹ BHXH của các ngành này.
Thứ tư, việc phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động ở khu vực này chưa thống nhất, mỗi địa phương áp dụng cách thực hiện khác nhau, làm cho người lao động chưa thật sự an tâm, tin tưởng ở chủ trương mới này. Vì vậy, cho đến năm 1986, theo báo cáo của Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã và Hội Nông dân Việt Nam, cả nước mới chỉ có khoảng 10 vạn người lao động trong các Hợp tác xã và nông dân tham gia BHXH, trong khi lực lượng lao động thuộc khu vực này trong cả nước có tới gần 30 triệu người.
Từ thực trạng tình hình thực hiện chế độ BHXH giai đoạn 1975-1985, đặc biệt là việc thực hiện BHXH cho nông dân và xã viên các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, cho thấy nhu cầu được tham gia BHXH của lực lượng lao động này. Đó là nhu cầu chính đáng, phù hợp với đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của Đảng ta. Do đó, triển khai xây dựng, ban hành và quản lý thống nhất chính sách BHXH cho lao động ngoài quốc doanh là nhiệm vụ cấp bách, góp phần tạo điều kiện cho kinh tế nhiều thành phần phát triển, tạo đà cho công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước./.
ThS. Dương Ngọc Ánh
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?