Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới

05/09/2019 10:05 AM


Chiều 04/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019.

Chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 04/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2019. Phiên họp Chính phủ thường kỳ lần này tập trung bàn một số nội dung như: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2019; thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; thực hiện Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 và dự toán NSNN năm 2020; kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2020 - 2022 và các vấn đề khác...

Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: nguồn internet

Năm 2019 đã đi qua được 8 tháng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong bối cảnh không thuận lợi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Có thể khẳng định chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6-6,8%).

Một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội trong 8 tháng là: CPI bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng. 

Thu NSNN đạt khá; các khoản thu nội địa cao hơn mức bình quân chung (thu ngân sách Trung ương đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%); chi ngân sách tiếp tục đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ. Thu ngân sách tăng khá thể hiện thực lực của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tăng khá, đặc biệt xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%;…

Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ động khắc phục hậu quả bão lũ, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại; thực hiện giảm nghèo bền vững (số hộ thiếu đói giảm 32,7% so với cùng kỳ).

Đặc biệt, quốc phòng an ninh được bảo đảm, tình hình diễn biến phức tạp nhưng chúng ta rất cương quyết, các lực lượng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp với các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Tiếp tục kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm vẫn chậm tiến độ, cần có biện pháp mạnh để thúc đẩy trong thời gian tới; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm (phân bón giảm 1,9%; dầu thô giảm 6,9%; xe máy giảm 8,3%; đường kính giảm 16,2%,…).

Về xuất - nhập khẩu, hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực giảm, giá xuất một số mặt hàng ở mức rất thấp; xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm (thị trường EU giảm 0,5%; thị trường Trung Quốc giảm 2,5%). Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự cần phải quan tâm, như: Dịch sốt xuất huyết; tai nạn giao thông…

Kết luận buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Tiếp tục kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đặt lợi ích quốc gia và của nhân dân lên trước. Cần nghiêm túc thực hiện phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", thực hiện tốt các Nghị quyết số 01, 02. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2019; tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức phải tập trung xử lý, giải quyết. Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 4 tháng, để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2019, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Tại buổi họp báo, các thành viên Chính phủ đã trả lời các câu hỏi của đại diện phóng viên các cơ quan báo chí về các vấn đề: Giải pháp của Bộ Giao thông vận tải về xử lý lún, nứt ảnh hưởng đến an toàn bay tại Sân bay quốc tế Nội Bài; Kết quả kiểm tra, xét nghiệm mẫu sau vụ cháy của Công ty Rạng Đông; Vụ việc Công ty ASanzo; Thông tư quy định về sữa tươi học đường chưa được ban hành…/.

PV