Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội
03/08/2019 02:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 02/8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tham dự hội nghị có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương.
Quang cảnh hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; mặt khác động viên các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức giải quyết những khó khăn, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, hầu hết trên 80%: cụ thể như Saigon Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Lotte (82%), AEON (80%)... Điều này là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Các kết quả đạt được đã góp phần tích cực vào sự phát triển của thị trường trong nước, từ đó đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế khi hoạt động thương mại tại thị trường trong nước hàng năm tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Đồng thời, thị trường trong nước cũng hỗ trợ tích cực cho công tác giải quyết việc làm khi thu hút khoảng 6 - 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội), góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được trong suốt thời gian qua. Cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cuộc vận động, các DN đã gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết. Vì vậy, trong thời gian tới, để người tiêu dùng yêu thích dùng hàng Việt, DN sản xuất cần không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học- công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt chất lượng cao, giá thành hạ nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.
Đánh giá về những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cuộc vận động đã tạo được niềm tin, thu hút sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng hàng hoá Việt Nam của người Việt (ở trong nước và cả ở nước ngoài), người nước ngoài; đồng thời đề cao quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng trong giám sát, chống hàng giả hàng nhái, giúp cơ quan chức năng xử lý. Bên cạnh đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng sống còn về nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và cách tiếp cận thị trường bài bản hơn. Đồng thời, qua cuộc vận động khơi dậy được tiềm năng lớn về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, đầu tư là 3 nhân tố chính để tạo ra tăng trưởng. Trong đó tiêu dùng trong nước là nhân tố đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, phục vụ trực tiếp cho cuộc sống người dân. Đây cũng là nhân tố quyết định cho phát triển bền vững của đất nước. Do đó, cuộc vận động không chỉ thúc đẩy sản xuất mà điều quan trọng là phải bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Cũng theo Phó Thủ tướng, điều quyết định thành công của cuộc vận động đòi hỏi trách nhiệm từ cả 3 phía. Nhà nước tạo môi trường pháp lý, hạ tầng, nhân lực để đảm bảo doanh nghiệp, người dân có nhiều điều kiện thuận lợi. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, có hệ thống phân phối phù hợp với nền kinh tế, thuận lợi cho người tiêu dùng. Thứ ba, trách nhiệm của người tiêu dùng là tham gia sản xuất, đồng thời cũng như tiêu dùng chính những sản phẩm trong nước sản xuất.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, đưa ra các đề xuất, giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động; tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam đã chính thức tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới; phương thức triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư; giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Nhân dịp này, 82 tập thể, 147 cá nhân đã được nhận khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc thực hiện cuộc vận động trong những năm qua./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?