Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
16/07/2019 01:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 15/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 35 thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay sau kỳ họp Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 11/7/2019, UBPL đã có Báo cáo số 2432/BC-UBPL14 về các vấn đề dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý dự thảo Luật, UBPL trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tóm tắt về một số vấn đề lớn như sau:
Về đối tượng là công chức, UBPL nhận thấy, dự thảo Luật lần này cần phải sửa đổi quy định về đối tượng là công chức để thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW “Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước)”. Nội dung này là một trong bốn nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội và nhận được sự nhất trí của đa số ý kiến ĐBQH.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo
Về cán bộ, công chức cấp xã và việc liên thông: Theo quy định của pháp luật hiện hành, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nhiệm vụ, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chế độ tuyển dụng, quản lý, sử dụng khác với đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và hiện có số lượng khoảng 22 vạn người, trong đó có khoảng 9,5 vạn chưa có trình độ đại học. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các quy định của văn bản dưới luật về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời, nghiên cứu ý kiến của ĐBQH và có đề xuất cụ thể về việc thống nhất quản lý công chức các cấp khi sửa đổi toàn diện Luật này.
Về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, UBPL chỉ rõ, quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức được bổ sung vào Luật để thể chế hóa yêu cầu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW. Theo đó, đã là công chức dù làm việc ở đâu cũng phải đáp ứng được yêu cầu tối thiểu, “chuẩn đầu vào” nhất định. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất mới, chưa có thực tiễn nên cần phải được cân nhắc kỹ để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, nhưng vẫn phải bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả của công tác này. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, đề nghị chỉnh lý khoản 6 Điều 1 của dự thảo Luật quy định rõ hơn về thời điểm kiểm định, nguyên tắc cơ bản trong kiểm định, hình thức kiểm định; giao Chính phủ quy định chi tiết và phân công cơ quan tổ chức thực hiện kiểm định, quy định trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu lực của kết quả kiểm định và trường hợp được miễn kiểm định.
Về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:
Phương án 1, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2). Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án này.
Phương án 2, Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
UBPL nhận thấy, đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày Luật có hiệu lực, mỗi phương án có những ưu điểm, hạn chế riêng. Nếu đối chiếu với Nghị quyết 19-NQ/TW “Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)” thì cả hai phương án này đều phù hợp với nghị quyết Trung ương tùy theo cách hiểu khác nhau. Phương án 2 thể chế hóa nghị quyết Trung ương theo hướng hiểu chữ “mới” là thời điểm tuyển dụng ban đầu phải ký hợp đồng có thời hạn, sau khi kết thúc hợp đồng có thời hạn thì người đó đã trở thành viên chức cũ, nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện việc ký hợp đồng phù hợp với Bộ luật Lao động. Phương án này hoàn toàn tương thích với quy định của Bộ luật Lao động; không gây ra những xáo trộn trong triển khai thực hiện, tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ viên chức; tăng khả năng thu hút lao động; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong áp dụng chế độ đối với viên chức tuyển dụng trước và sau ngày Luật có hiệu lực. Phương án này cũng không trái với nghị quyết Trung ương vì nghị quyết Trung ương không có quy định về việc bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn. Tuy nhiên, theo Phương án này cần có giải pháp khắc phục những bất cập trong khâu đánh giá viên chức, đề cao vai trò của người lãnh đạo trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí công việc nếu không đáp ứng yêu cầu thì sẽ không được tiếp tục làm việc. Thực tế cho thấy với quy định về chế độ hợp đồng lao động như hiện nay thì khối khu vực tư (bệnh viện tư, trường học dân lập, tư thục...) vẫn đang thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở phân tích ưu điểm, hạn chế của các phương án, Thường trực UBPL tán thành Phương án 2.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự luật. Tuy nhiên một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra quan điểm vào các nội dung cụ thể. Theo đó, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Dự luật quy định Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, xác định như thế nào là người có tài năng thì cần phải được nghiên cứu, đánh giá rõ ràng, tường minh trong Dự thảo luật.
Cũng quan tâm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng vấn đề người tài trong hoạt động công vụ cần được xem xét, định nghĩa một cách dễ hiểu, phù hợp, đảm bảo tính khả thi; bổ sung vào Dự luật nhiều chính sách thu hút, trọng dụng người tài.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị cần thiết kế quy định về vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, lựa chọn, chắt lọc được người tài, người giỏi trong hoạt động công vụ để phục vụ cho đất nước.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khái niệm về người có tài năng thì cần tiếp tục nghiên cứu thêm, không nên đưa ra một định nghĩa chung chung, thiếu tiêu chí vào trong luật; nên quy định nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này thì sẽ hợp lý hơn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc, tối đa các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số vấn đề còn chưa thống nhất, chưa rõ thì cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để trình xin ý kiến Quốc hội./.
Theo Quochoi.vn
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung quyết tâm hoàn ...
BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh 5 nhóm tiện ích trong cải cách thủ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?