Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy
09/07/2019 04:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 8/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018” do Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm Trưởng đoàn đã làm việc với Chính phủ.
Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và Bộ, Ban, ngành Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.
Theo Báo cáo của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày, từ tháng 7/2014 đến năm 2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 6.500 tỷ đồng và 6.400 ha rừng. Đặc biệt, những ngày qua đã xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng trên diện rộng, gây đe dọa an toàn khu dân cư, công trình công cộng và đường dây truyền tải điện quốc gia.
Trong số 13.149 vụ cháy nêu trên thì cháy nhà dân chiếm 40% tổng số vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là do không bảo đảm an toàn hệ thống điện (chiếm 57%) và do sơ suất trong quá trình sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt (chiếm trên 29%). Số vụ cháy lớn tuy chỉ chiếm 1% tổng số vụ nhưng chiếm trên 76% tổng thiệt hại.
Trước tình hình trên, dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng, ngừa, ngăn chặn cháy đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Lực lượng PCCC đã duy trì tốt công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu, với số vụ cháy được dập tắt kịp thời không để xảy ra cháy lớn chiếm tới 99%. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người trong đám cháy. Các vụ cháy lớn đều có sự tham gia, chỉ huy của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Tăng cường tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả PCCC; tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC với phương châm “4 tại chỗ”…
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng chỉ ra bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tại một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, triệt để, còn mang tính hình thức; chưa chú trọng, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện. Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ PCCC chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng vi phạm quy định về điều kiện an toàn PCCC còn diễn ra khá phổ biến, nhưng việc phát hiện, xử lý còn hạn chế, thiếu kiên quyết. Trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, cơ sở trong việc bảo đảm điều kiện an toàn PCCC chưa cao…
Qua lắng nghe ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Đoàn giám sát và khẳng định sẽ sớm chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục những hạn chế, bất cập mà Đoàn đã nêu.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do nhiều khu dân cư, chung cư xuống cấp, khu công nghiệp và cơ sở kinh doanh thiếu các điều kiện về an toàn PCCC, trang bị phương tiện và điều kiện hạ tầng về giao thông, nguồn nước nhiều nơi còn bất cập…
Một số chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về PCCC, công tác “4 tại chỗ” chưa thực sự hiệu quả, hoạt động tuyên truyền về nhận thức, kiến thức và kỹ năng chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức của một bộ phận người dân về PCCC còn hạn chế, vi phạm về PCCC còn phổ biến…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý: Hiện còn 2.000 cơ sở chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động là cực kỳ nguy hiểm. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân phải rà soát lại ngay, có thể sơ tán dân ra ngoài để khắc phục PCCC, không để khi xảy cháy chết người mới tiến hành thực hiện PCCC.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra công tác PCCC nặng nề, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn, nhất là ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao. Coi việc chấp hành các quy định về PCCC là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động, điều hành quản lý của các cơ quan, đơn vị. Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý để xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.
Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và có giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, điều chỉnh các nội dung báo cáo theo đúng đề cương chi tiết, bổ sung thêm các số liệu để tăng tính cụ thể; đánh giá kỹ các tồn tại hạn chế và chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức; bổ sung các giải pháp và đề xuất kiến nghị để làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu thảo luận và cũng là cơ sở để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát./
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?