Mở rộng khung thời gian làm thêm cần bảo đảm hài hòa lợi ích các bên
12/06/2019 11:34 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ngoài đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu thì vấn đề tăng giờ làm thêm cũng nhận được nhiều ý kiến tranh luận của nhiều đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh chinhphu.vn
Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, cho rằng đây là vấn đề có tính chất hai mặt nên Quốc hội cần xem xét nội dung này bảo đảm hài hòa các lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thì cần làm rõ đề xuất làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu gì? Nếu đặt vấn đề làm thêm giờ mà chỉ nhìn ở góc độ thuận lợi cho người lao động trong quá trình lao động tăng thêm thu nhập và đưa ra khung giới hạn khá rộng so với hiện hành để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận thì có vẻ không có vấn đề gì mâu thuẫn. Nhưng nếu xét ở bản chất của vấn đề, thì việc đặt ra vấn đề làm thêm giờ là đi ngược với sự tiến bộ xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, nếu hỏi công nhân có nhu cầu làm thêm giờ không thì câu trả lời là không nhưng nếu hỏi công nhân có cần làm thêm giờ không thì câu trả lời là có. Vì người công nhân cần làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập do tiền lương, thu nhập của người công nhân hiện nay so với trang trải nhu cầu cầu cuộc sống tối thiểu còn quá khó khăn, thiếu thốn.
Do đó, Quốc hội phải đưa ra chính sách làm sao để người công nhân làm ít giờ nhưng tiền lương, thu nhập tăng thêm để người lao động có thể tái tạo sức lao động, làm việc tốt hơn. Điều này vừa có lợi cho người lao động và người sử dụng lao động. Cùng với đó, dưới góc độ người sử dụng lao động, nếu cần thiết làm thêm, cấp bách để đảm bảo sản xuất thì có cách để thỏa thuận với công nhân và tiền lương làm thêm giờ có sự lũy tiến. Đại biểu nhấn mạnh, không phải không tăng giờ là không quan tâm đến người lao động mà phải quan tâm đến người lao động theo chính sách ưu việt hơn, thỏa đáng hơn.
Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) đồng tình với việc nới rộng khung làm thêm giờ lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến việc tái tạo sức lao động và thời giờ chăm sóc gia đình của người lao động. Ông cho rằng cần quy định chặt chẽ để tránh việc chủ sử dụng lao động lợi dụng để vắt kiệt sức của người lao động. Ngoài ra, khi tăng giờ làm thêm, cần quy định việc tính lương làm thêm tăng lũy tiến.
Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) phát biểu. Ảnh quochoi.vn
Đại biểu Trương Phi Hùng lấy ví dụ, làm thêm 2h đầu ít nhất được 150% lương, 1h tiếp theo ít nhất là 250%, 1h tiếp theo nữa là 300%. Cách tính lũy tiến như này sẽ hạn chế được việc chủ sử dụng lao động bắt ép người lao động làm thêm, tránh xảy ra tai nạn lao động nếu làm việc quá sức.
Cùng quan điểm, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ trên cơ sở nguyên tắc thỏa thuận là hợp lý nhằm tăng khả năng cạnh tranh của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động. Song đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ với mức lương cao hơn và chỉ áp dụng làm thêm tối đa 400 giờ/năm ở một số doanh nghiệp, ngành nghề chủ yếu và trong thời điểm nhất định.
Tán thành với quy định của dự thảo, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, có một bộ phận người lao động muốn tăng thêm giờ làm thêm để có thêm thu nhập nhưng phần lớn người lao động không muốn tăng thêm giờ làm thêm. Thực tế tại các doanh nghiệp và người lao động phải làm thêm, vượt giờ rất nhiều. Bày tỏ đồng tình về việc thỏa thuận mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm trong trường hợp đặc biệt nhưng đại biểu Trần Văn Tiến nhấn mạnh giờ làm thêm không qua 400 giờ/năm. Đề tránh tình trạng tăng giờ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, bên cạnh quy định số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường và không quá 12 giờ/ngày, đại biểu đề nghị dự thảo cần bổ sung quy định số giờ tối đa trong một tháng như luật hiện hành.
Trao đổi về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định đây là nhu cầu có thực của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động. Tăng mức tối đa 300h-400h Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng cho một số rất ít ngành nghề, và chỉ ở những thời điểm nhất định.
Bộ trưởng cũng cho biết, không áp dụng tăng giờ làm thêm đối với khu vực công. Và đang tiếp tục nghiên cứu các phương án, nhất là với ý kiến của một số đại biểu liên quan đến thỏa thuận, lũy tiến.v.v…
"Nhưng cũng phải lưu ý rằng, 97% các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhỏ, và siêu nhỏ. Đây là vấn đề rất quan tâm, làm sao đảm bảo quyền của người lao động đồng thời cũng đảm đảm bảo để các doanh nghiệp phát triển bền vững", Bộ trưởng cho biết./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?