Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Lên án, đấu tranh chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi
06/06/2019 01:31 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Giải trình trước Quốc hội sáng nay, ngày 06/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín, dị đoan; chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Quốc hội sáng 06/6.
Trước thực trạng mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi mà nhiều đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cho rằng, các vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng xử lý vấn đề này không chỉ bằng pháp luật, quy định mà còn phải tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo.
Theo Phó Thủ tướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xét trên góc độ văn hoá, khi một tôn giáo du nhập vào Việt Nam có sự ảnh hưởng qua lại với văn hoá, tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng dân cư, dân tộc. Ví dụ khi Phật giáo vào Việt Nam đã dần dung hòa với nhiều tín ngưỡng truyền thống như: Thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu... Vì vậy, khi nói về giáo pháp, thực hành tín ngưỡng thì cần đặc biệt lưu ý vấn đề này. Đây là niềm tin, sự thực hành thường nhật của bộ phận lớn người dân cần phải tôn trọng.
Trong quá trình đó, những gì không phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng cần được chỉ ra, vận động để loại bỏ dần, trong đó rất cần kết hợp với các tổ chức tôn giáo.
Theo Phó Thủ tướng, mê tín, dị đoan suy cho cùng là do thiếu hiểu biết nên chúng ta cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hoá, để nâng cao dân trí, để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Có hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh. Những điều này cần sự phân tích có tình, có lý của các nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu văn hoá.
Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, tổ chức cần tăng cường công tác nêu gương, phân tích cặn kẽ trên giác độ văn hoá về những việc tốt, những việc chưa tốt, chưa đúng; mọi người cùng nhân cái tốt và giảm cái xấu.
“Chúng ta gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của các tôn giáo nhưng đồng thời hết sức cầu thị trên tinh thần khoa học để có những ứng xử phù hợp với yêu cầu của thời đại mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trả lời các chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, Điều 24 Hiến pháp 2013 đã quy định mọi người có quyền tự do tôn giáo, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, bản chất tôn giáo là tốt đẹp, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác, cái xấu, tu thân tích đức. Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, giúp con người phát triển toàn diện. Pháp luật nước ta luôn tôn trọng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua có một số cá nhân lợi dụng nghi thức tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Vấn đề này đã bị pháp luật xử lý và dư luận xã hội lên án vì vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh quochoi.vn
Để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện một số giải pháp, như tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về biện pháp phòng, ngừa mê tín dị đoan; lên án, phê phán, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để thực hành mê tín, dị đoan… Đồng thời, tập trung chăm lo phát triển kinh tế- xã hội, tạo việc làm, xây dựng mô hình văn hóa, thể thao, tổ chức chương trình văn hóa thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động văn hóa.
Đối với các văn bản quy phạm, pháp luật để phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, chúng ta đã có Luật Tôn giáo, tín ngưỡng, Bộ luật Hình sự, Nghị định 159… Bộ trưởng khẳng định, nếu như chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa và xử lý, hiện tượng đại biểu nêu sẽ chấm dứt.
Về trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đạo đức, xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch và người đứng đầu chịu trách nhiệm; với địa phương, cụ thể là ngành văn hóa địa phương, thì rõ ràng phải trực tiếp chịu trách nhiệm nữa. Bộ trưởng khẳng định, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành vai trò của mình, rà soát lại văn bản pháp luật và đôn đốc chỉ đạo địa phương làm cho tốt./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?