Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp: Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
13/05/2019 02:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, việc bảo đảm sức khỏe cho người lao động thông qua các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ) là vấn đề rất được quan tâm.
Công tác ATVSLÐ cũng như việc thực hiện chính sách BHXH ngày càng được quan tâm (ảnh minh hoạ)
Thực tế cho thấy, khi thực hiện tốt các biện pháp ATVSLÐ, người lao động có đủ sức khỏe và tinh thần thoải mái để làm việc với năng suất và hiệu quả cao hơn. Từ đó giúp tổ chức, doanh nghiệp giảm được các thiệt hại, tạo được niềm tin của người lao động, góp phần phát triển xã hội bền vững. Tuy nhiên, đến nay, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp vẫn được xem là một trong những nguy cơ lớn. Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 2,78 triệu trường hợp tử vong do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, khoảng 374 triệu lao động khác bị thương hoặc mắc các bệnh liên quan công việc. Không chỉ cướp đi tính mạng và đe dọa sức khỏe của người lao động, tình trạng này còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Theo tính toán, mỗi năm, tổng các chi phí của các khoản bồi thường, số ngày làm việc bị mất, gián đoạn sản xuất, đào tạo và đào tạo lại, chi phí y tế... do tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trên toàn cầu ước khoảng 3.000 tỷ USD (tương đương 4% GDP toàn cầu).
Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác ATVSLÐ cũng như việc thực hiện chính sách BHXH, trong đó có bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp ngày càng được quan tâm. Mỗi năm, hàng trăm nghìn người lao động đã được huấn luyện và hỗ trợ huấn luyện ATVSLÐ; có từ hai đến ba triệu lượt lao động được khám sức khỏe định kỳ; hàng chục nghìn cơ sở sản xuất được đo kiểm tra môi trường lao động..., qua đó tạo những chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác này. Tuy nhiên, tình trạng mất ATVSLÐ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo Bộ LĐ-TB&XH, chỉ trong năm 2018, cả nước đã xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm 8.229 người bị nạn, trong đó có 1.038 người chết; thiệt hại về chi phí tiền thuốc, mai táng phí, bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương là 1.494 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 127.034 ngày. Ngoài ra, mỗi năm, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đã chi trả hàng trăm tỷ đồng cho các trường hợp người lao động bị tai nạn hoặc mắc bệnh nghề nghiệp…
Để bảo đảm môi trường lao động an toàn, trước hết đạt được các mục tiêu trong Chương trình quốc gia về ATVSLÐ giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cần ý thức rõ, việc chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... chính là góp phần vào sự phát triển bền vững của tổ chức, doanh nghiệp nói riêng, của đất nước nói chung. Trên cơ sở đó có những giải pháp cụ thể trong xây dựng và thực hiện các quy trình, biện pháp làm việc an toàn; tổ chức lao động hợp lý và từng bước cải thiện điều kiện lao động. Cùng với đó, các đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm quy định về tham gia bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.../.
PV (Theo Báo Nhân dân)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 48 - Tuần 4 tháng 1/2025
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?