“Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”
05/05/2019 12:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là chủ đề Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019 vừa được Ban chỉ đạo Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức sáng ngày 4/5, tại TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Tham dự Lễ phát động có: Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam Chang- Hee Lee; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Quang cảnh Lễ phát động.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ, năm 2018 diễn ra nhiều hoạt động thiết thực về ATVSLĐ như: Tổ chức hàng trăm cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi an toàn vệ sinh viên giỏi; phát hành hơn 500 nghìn tờ rơi, ấn phẩm tuyên truyền tới doanh nghiệp, người lao động. Các phong trào thi đua thực hiện đảm bảo ATVSLĐ được phát động và triển khai rộng rãi trong các doanh nghiệp, cơ sở như phong trào xanh - sạch - đẹp, góc xưởng an toàn, ký cam kết thi đua, xây dựng văn hóa an toàn lao động. Cả nước có hơn 2 triệu người lao động được khám sức khỏe định kỳ; hơn 700 nghìn trường hợp người lao động đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.
Trong năm 2018 đã thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định cho hơn 300 kiểm định viên; thực hiện kiểm định hơn 3 triệu máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; thực hiện chứng nhận cho hơn 8.000 thiết bị nâng, thiết bị áp lực và gần 4 triệu phương tiện bảo vệ cá nhân. Hơn 300 nghìn trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, qua đó phát hiện hơn 3.500 trường hợp mắc bệnh. Các bệnh có tỷ lệ mắc cao như bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn (66,6 %), bệnh bủi phổi silic nghề nghiệp (16,8%).
Ngành LĐ-TBXH đã thực hiện hơn 3.000 cuộc thanh tra về lĩnh vực lao động; ban hành hơn 16 nghìn phiếu tự kiểm tra, phát hiện hơn 26 nghìn lỗi sai phạm. Thanh tra Bộ LĐ-TBXH đã thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATVSLĐ tại hơn 200 doanh nghiệp, tổng công ty, 9 công trình xây dựng; qua đó đã ban hành hơn 1.400 kiến nghị khắc phục sai phạm, 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Toàn quốc đã có hơn 4.500 doanh nghiệp được tư vấn, xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ; 60 nghìn người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ; hơn 40 làng nghề, 600 hợp tác xã, hơn 50 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2.000 hội viên nông dân làm các nghề độc hại, nguy hiểm... được hỗ trợ phổ biến thông tin ATVSLĐ thường xuyên.
Tuy nhiên, trên toàn quốc trong năm 2018 đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động làm 8.229 người bị nạn. Trong đó khu vực có quan hệ lao động xảy ra 7.090 vụ làm hơn 7.000 người bị nạn, 622 người chết (số vụ tai nạn lao động chết người giảm 10,8%, số người chết giảm 6,6% so với năm 2017). Trong khu vực không theo hợp đồng lao động xảy ra hơn 900 vụ tai nạn lao động làm hơn 400 người chết. So với 2017, số người chết và bị thương nặng có xu hướng tăng lên. Số địa phương có báo cáo thống kê tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động đã cao hơn so với 2017 (51/43).
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng khẳng định, năm 2018, công tác ATVSLĐ đã đạt được nhiều kết quả, nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và người lao động đã được nâng lên; năng suất lao động được cải thiện; điều kiện, môi trường lao động cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên Thứ trưởng cũng cho rằng, công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều tồn tại, như tai nạn lao động còn cao và đáng lo ngại, nhất là khu vực không có hợp đồng lao động tăng 59% số người chết do tai nạn lao động, đòi hỏi cần quan tâm nhiều hơn tới khu vực này. Những tháng đầu năm 2019 đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng, cháy nổ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tài sản.
Tại Lễ phát động, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee cho rằng, phần lớn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đều có thể phòng tránh được. Chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay khẳng định cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng văn hóa ATVSLĐ. Đây cũng là chính sách ưu tiên của Việt Nam trong thực hiện vấn đề ATVSLĐ.
Theo ông Chang Hee Lee, khi xây dựng văn hóa phòng ngừa, cần quan tâm tới các yếu tố nguy hiểm, độc hại, chú ý đến lao động trẻ, đến lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ rủi ro cao so với nhiều nơi khác. Việt Nam có Luật ATVSLĐ được xây dựng năm 2015 đã khẳng định quyết tâm trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động. ILO tin rằng, với sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, chủ sử dụng lao động và người lao động sẽ tạo được môi trường làm việc an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người lao động tại Việt Nam. ILO cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam để xây dựng môi trường làm việc, môi trường lao động tươi sáng, an toàn, vì người lao động trong tương lai, hạn chế tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Dịp này, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo ATVSLĐ giai đoạn 2016 – 2018 đã nhận được khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam./.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung quyết tâm hoàn ...
BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh 5 nhóm tiện ích trong cải cách thủ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?