Cải cách chính sách BHXH: Bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân
23/01/2019 03:58 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2018, một trong những sự kiện nổi bật trong lĩnh vực BHXH được ghi dấu khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về Cải cách chính sách BHXH. Những định hướng cải cách chính sách tại Nghị quyết hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều bứt phá trong năm 2019, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh
Xin PTGĐ cho biết, Nghị quyết 28 sẽ tạo ra những đột phá gì cho lĩnh vực BHXH thời gian tới? Đặc biệt với các quyền lợi người lao động có thể được hưởng?
PTGĐ Đào Việt Ánh: Ngay khi vừa ban hành, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá là có những nội dung cải cách chính sách BHXH tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO.
Với việc hoàn thiện chính sách BHXH theo định hướng cải cách tại Nghị quyết 28, chúng ta tin tưởng rằng sẽ tạo ra những đột phá mới, quyền lợi của người tham gia BHXH sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn, cụ thể:
Một là, cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào đến các yếu tố đầu ra. Đó là việc hoàn thành tỷ lệ bao phủ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi (35% năm 2021; 45% năm 2025; 60% năm 2030) và số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu (45%; 55%; 60%).
Hai là, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức – đây là khoảng trống vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Thí dụ: Mục tiêu đến 2025, trong số 45% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Ba là, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến chính sách mà còn chú trọng cả đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% năm 2021; 85% năm 2025 và 90% năm 2030.
Bốn là, lần đầu tiên, chúng ta coi phạm vi BHXH không chỉ bao gồm những quan hệ đóng hưởng trực tiếp vào quỹ BHXH mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng hưởng gián tiếp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, hệ thống BHXH đa tầng, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Bên cạnh đó, nhà nước còn có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều này cho thấy Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo đảm an sinh cho người dân thông qua việc hướng tới tất cả người hết tuổi lao động trong xã hội đều có lương hưu.
Năm là, linh hoạt điều kiện tham gia BHXH để hưởng chế độ. Trước đây chúng ta khẳng định tối thiểu phải 20 năm đóng BHXH, người lao động mới có cơ hội được hưởng lương hưu. Chính quy định thời gian dài như vậy dẫn đến rất nhiều lao động khu vực trí thức, nông dân khó có điều kiện tham gia để được hưởng lương hưu. Lần này Trung ương đã đưa ra chủ trương rất lớn sẽ có lộ trình giảm dần từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí tiến tới còn 10 năm để bảo đảm người dân có lương hưu để bảo đảm cuộc sống tuổi già.
Với Nghị quyết 28, theo PTGĐ, đâu là những thuận lợi và thách thức với Ngành trong các năm tiếp theo?
PTGĐ Đào Việt Ánh: Nghị quyết 28 với 11 nội dung cải cách, là định hướng toàn diện cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật BHXH và 05 nhóm nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm từng bước đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn – Đây là những thuận lợi hết sức cơ bản cho việc hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Với những mục tiêu phát triển đã được quán triệt thực hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW: Mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt bao phủ 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; với BHTN phải đạt 28%, 35%; 45% lực lượng lao động tương ứng đến các năm 2021, 2025, 2030 – đây là những thách thức vô cùng lớn khi mà việc khai thác, mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH của chúng ta còn rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh số người tham gia BHXH hằng năm tuy có tăng nhưng tương ứng với đó là số người rút khỏi hệ thống (hưởng trợ cấp BHXH một lần) cũng không hề nhỏ; tình trạng trốn đóng BHXH tại khu vực tham gia BHXH bắt buộc vẫn còn và chưa được giải quyết triệt để; chính sách BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ đóng rất thấp, thời gian tham gia dài chưa thực sự hấp dẫn,…
Về các mục tiêu bao phủ BHXH Nghị quyết 28 đặt ra, PTGĐ đánh giá thế nào về khả năng đạt được, khi mục tiêu Nghị quyết 21 trước đó đặt ra đã hết sức khó khăn?
PTGĐ Đào Việt Ánh: Từ thực tiễn 05 năm triển khai Nghị quyết 21 cho thấy vì sao chúng ta đã triển khai rất tốt tỷ lệ bao phủ BHYT nhưng lại chưa đạt được con số mong muốn đối với BHXH. Các bài học kinh nghiệm từ mở rộng đối tượng tham gia BHYT cũng đã được ứng dụng cho BHXH. Đó là sự hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với người dân tham gia BHXH tự nguyện. Từ 01/01/2018 là 30%, 25% và 10% đối với các nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo và đối tượng khác. Đó là việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền địa phương và cấp cơ sở thông qua việc Chính phủ ban hành Nghị quyết giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng địa phương. Chúng ta cũng đã có sự điều chỉnh chỉ tiêu từ 50% của Nghị quyết 21 xuống 35% của Nghị quyết 28 để phù hợp hơn với thực tiễn và tính khả thi.
Định hướng của Nghị quyết 28 là phát triển BHXH đa tầng, PTGĐ có thể nói rõ hơn về định hướng và thay đổi này so với hiện nay? Đặc biệt trong bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH?
PTGĐ Đào Việt Ánh: Nghị quyết 28 đặt ra mục tiêu thiết kế chính sách BHXH theo hướng đa tầng, với mục tiêu các tầng chính sách sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân. Điều này xuất phát từ thực tế thời gian vừa qua, giữa các chính sách xã hội thiếu sự liên kết dẫn đến vẫn còn có khoảng 5 triệu người cao tuổi (hơn 60 và dưới 80 mà không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng, tuổi già gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định trợ cấp tuổi già (Việt Nam đang áp dụng với người trên 80 tuổi) là tầng lương hưu xã hội trong hệ thống BHXH đa tầng. Trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH đa tầng được xác định. Cụ thể, tầng đầu tiên sẽ là trợ cấp hưu trí xã hội, bằng cách ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Tầng trên đó là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tầng cuối cùng là bảo hiểm hưu trí bổ sung, hay nói cách khác là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn. Thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu.
Trong năm mới 2019, BHXH Việt Nam sẽ có những định hướng quan trọng nào để ngành phát triển vững mạnh hơn, quyền lợi người tham gia BHXH đảm bảo hơn, thưa PTGĐ?
PTGĐ Đào Việt Ánh: Năm mới 2019 đang đến gần với nhiều khó khăn và thách thức mới. BHXH Việt Nam xác định đây là năm bản lề để triển khai các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết 28, trong đó đặc biệt quan tâm việc hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT. Vì vậy, Ngành sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phát triển vững chắc hệ thống BHXH, BHYT, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, cụ thể như:
Xác định cụ thể nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phát huy hiệu quả vai trò tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương với phát triển BHXH, BHYT. Đặc biệt, tích cực tham mưu để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển BHXH nhất là triển khai các nhóm giải pháp thực hiện được quán triệt tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương 7 về cải cách chính sách BHXH phù hợp với thực tế tại địa bàn. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; giao chỉ tiêu và lộ trình tăng số người tham gia BHXH với từng địa bàn quận, huyện, thị xã.
Công tác truyền thông tiếp tục phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT phù hợp với tình hình mới. Hướng tới mục tiêu an sinh bền vững, cần truyền thông để người lao động nhận thức rõ lợi ích của việc tham gia BHXH dài lâu, hạn chế BHXH một lần. Truyền thông phải đi trước một bước, tác động bền bỉ dài lâu, tập trung làm rõ quyền lợi, trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật, vì sức khỏe, cuộc sống của bản thân, gia đình và người lao động, an sinh xã hội; để các đối tượng hiểu, biết, tự giác chấp hành. Truyền thông để cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị nhận thức và thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Truyền thông để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhận thức được trọng trách phục vụ đối tượng, tránh gây phiền hà, tạo niềm tin, thu hút hướng dẫn người tham gia ngày càng đông đảo.
Song song với việc thực hiện công tác mang tính thường xuyên, thu đúng, thu đủ, thanh, kiểm tra, giảm nợ đọng, từng cán bộ cơ quan BHXH cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân. Phải nhận thức rõ, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nhưng yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định; quá trình giải quyết thủ tục hành chính cần có sự linh hoạt, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, từng bước, từng ngày tạo và nâng cao niềm tin về cơ quan BHXH cũng như chính sách, pháp luật BHXH của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu bảo đảm An sinh xã hội bền vững./.
Xin cảm ơn ông!
PV (Thực hiện)
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?