“Lao động, việc làm trong bối cảnh CMCN 4.0”
29/12/2018 02:39 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 28/12, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Lao động, việc làm trong bối cảnh CMCN 4.0” với khách mời tham gia đối thoại là ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
Đối thoại nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và người dân có thể hiểu hơn về các chính sách phát triển lao động đáp ứng CMCN 4.0, cũng như các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Quang cảnh đối thoại.
Tính cạnh tranh của lực lượng lao động tăng lên
Chia sẻ về thực trạng về cung, cầu lao động của nước ta trong năm 2018, ông Lê Quang Trung cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện.
Các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động tăng lên.
Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, tính đến tháng 9/2018 tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,1% (đang đạt chỉ tiêu dưới 4% trong các nghị quyết phát triển kinh tế xã hội), góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 38,3%.
Ông Lê Quang Trung cũng cho biết, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi kết cấu, năng suất thấp, về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý và khả năng di chuyển còn bị hạn chế; Cầu lao động thấp về số lượng và vẫn còn một tỉ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thụât, khu vực làm công ăn lương phát triển chậm; tỉ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá cao. Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp về thị trường lao động chưa đầy đủ; cơ sở hạ tầng của thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ dẫn đến khả năng kết nối cung cầu lao động kém; có sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, mặc dù thiếu việc làm chiếm tỉ lệ lớn, nhưng một số ngành nghề, địa phương... không tuyển được lao động. Hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao; một bộ phận lớn người lao động chưa được bảo vệ trong thị trường.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, số lao động có việc làm trong nước luôn tăng hằng năm, tuy nhiên chất lượng việc làm vẫn là những hạn chế của thị trường lao động Việt Nam, với khoảng 18,9 triệu lao động phi chính thức. Về vấn đề này, ông Lê Quang Trung cho biết, hiện nay, cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỉ lệ thiếu việc làm không cao. Hiện nay, cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp vớihơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 96% doanh nghiệp sử dụng dưới 30 lao động, 88% sử dụng dưới 10 lao động. Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ, năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, năng suất lao động, thu nhập và tiền lương của người lao động khó có thể cao, việc làm khó có thể bền vững.
Bên cạnh đó, chất lượng việc làm còn hạn chế thể hiện ở năng suất lao động thấp, tỉ lệ người lao động làm việc ở khu vực dễ bị tổn thương cao (56,5% lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản), thu nhập từ việc làm thấp, một tỉ lệ lớn người làm việc không tiếp cận được các chính sách BHXH, BH thất nghiệp và các chính sách về an toàn vệ sinh lao động (khoảng 29% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc). Chất lượng của việc làm còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, một bộ phận lớn lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (38,5%) hoặc khu vực dễ tổn thương (khoảng 59%). Đây là nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp, thu nhập không ổn định, việc làm thiếu bền vững và cũng là khu vực mà pháp luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội như kinh nghiệm các nước là khó vươn tới được đầy đủ.
Nâng cao chất lượng lao động
Về bức tranh thị trường lao động của Việt Nam trong năm 2018, ông Lê Quang Trung đánh giá có nhiều điểm sáng, tích cực. Quy mô lực lượng lao động lớn (55,4 triệu người tại Quý 3/2018), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lớn (76%), lao động thanh niên chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 28%) đem lại nguồn cung dồi dào cho phát triển sản xuất; Chất lượng lao động ngày càng được cải thiện với 56,1% (năm 2017) lực lượng lao động đã qua đào tạo, dự kiến năm 2018 là 58,6%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực (năm 2015 có 42,6% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, đến tháng 9/2018 giảm còn 38,3%); tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực phi kết cấu, làm các công việc dễ bị tổn thương giảm tương ứng từ 67% xuống còn 56,2%. Tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, chung của cả nước là khoảng 2%, của khu vực đô thị là dưới 4%. Tỉ lệ thiếu việc làm cũng ở mức thấp, khoảng 1,4-1,5%. Pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động được ban hành đồng bộ và triển khai thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên cũng tồn tại nhiều thách thức, hạn chế. Chất lượng việc làm còn hạn chế thể hiện ở năng suất lao động thấp, tỉ lệ người lao động làm việc ở khu vực dễ bị tổn thương cao (56,2% người làm việc ở khu vực phi chính thức); khu vực doanh nghiệp phần lớn là có quy mô nhỏ (96% doanh nghiệp là nhỏ và vừa), tính ổn định của việc làm không cao; tiền lương và thu nhập từ việc làm chậm được cải thiện. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức chậm dẫn đến chậm cải thiện chất lượng việc làm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao; lao động trung niên và lớn tuổi trong các doanh nghiệp có nguy cơ bị sa thải lớn. Sức ép việc làm, nhất là việc làm bền vững lớn.
Ông Lê Thành Trung cũng cho biết, để khắc phục những điểm tối của bức tranh việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp: Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển lao động từ khu vực công nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, lao động khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để cải thiện chất lượng việc làm. Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng lao động thất nghiệp dài hạn khó tìm việc làm theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH của Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 vừa qua. Gắn đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tập trung nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động, cung cấp cơ sở cho kế hoạch hóa đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm của người lao động; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong kết nối cung-cầu lao động; Thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ việc làm, nhất là đối với các đối tượng yếu thế như vay vốn tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm, thực hiện chính sách việc làm công, đẩy mạnh xuất khẩu lao động nhằm chuyển đổi và nâng cao chất lượng việc làm. Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, nhất là nhóm yếu thế nhằm phát huy tối đa năng lực của các nhóm đối tượng này.
Sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao.
Ông Lê Quang Trung đề cập, cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động rất mạnh mẽ và trực tiếp vào thị trường lao động, làm thay đổi từ thâm dụng lao động sang thâm dụng về mặt trí tuệ và công nghệ. Làm biến đổi hoàn toàn đối với một số lĩnh vực về cơ cấu lao động, cung cầu lao động, tính chất của từng loại công việc. Bên cạnh đó làm thay đổi phương thức, người lao động từ chỗ tìm việc làm sang tự tạo việc làm và khởi sự doanh nghiệp. Từ việc làm lặp đi lặp lại đến đòi hỏi việc làm đó phải có trí tuệ. Từ chỗ việc làm mang hàm lượng chất lượng thấp sang chất lượng cao. Trước bối cảnh như vậy, Bộ LĐTB&XH đã chủ động nghiên cứu, đánh giá những tác động chính vào thị trường lao động để chuẩn bị phương án, giải pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, những ngành thông dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến, thủy sản, gia công các mặt hàng,... là những ngành sẽ bị tác động nhiều nhất, ngoài ra còn có nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi,…
Theo ông Lê Quang Trung, để chủ động với cuộc CMCN 4.0 cần có những giải pháp:
Thứ nhất, từng ngành, từng lĩnh vực phải nghiên cứu, dự báo nhu cầu và sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ để đưa ra phương án dự báo về vấn đề nhân lực.
Thứ hai, khẩn trương tổ chức các phương án đào tạo chuyên môn, công nghệ, kỹ năng mềm và các nhu cầu cần thiết cho người lao động.
Thứ ba, xây dựng các biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình hội nhập. Đồng thời phải có những biện pháp giải quyết đối với người lao động (muốn hoặc không muốn) bị sa thải trong cuộc CMCN 4.0 về chính sách tự tạo việc làm, chính sách hỗ trợ trong đó có chính sách về BH thất nghiệp.
Tại toạ đàm, ông Lê Quang Trung cũng chia sẻ những dự báo của mình về thị trường lao động Việt Nam trong năm 2019. Đó là: Cung cầu của thị trường lao động sẽ gặp nhau ở mức hợp lý nhất. Nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tăng lên, đặc biệt đối với doanh nghiệp có nhóm lao động trình độ cao.Tiếp tục phân luồng, chuyển luồng trong đào tạo, tiếp nhận lao động. Đồng thời, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động được cải thiện tốt hơn và chặt chẽ hơn.
Để tiếp tục triển khai tốt các chính sách về lao động - việc làm nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ông Lê Quang Trung đề cập, về lâu dài, lĩnh vực lao động việc làm gắn rất chặt với sự phát triển kinh tế xã hội. Phát triển kinh tế xã hội là cơ sở để thị trường lao động định hướng theo. Chính vì vậy, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề là yếu tố mang tính chất quyết định trong thị trường lao động hiện nay. Do đó, những ngành nghề vừa sử dụng lao động có chất lượng cao vừa phải phát triển ngành nghề để nâng cao chất lượng việc làm. Đồng thời đối với lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi trình độ ở mức hợp lý thì chúng ta cần có biện pháp để hỗ trợ. Tăng cường chính sách, quan hệ lao động trong tương lai ổn định, tạo điều kiện thông thoáng hơn trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, cần phải tính đến các chương trình, dự án rất cụ thể cho từng nhóm đối tượng một. Tổ chức tốt hơn, đảm bảo đúng vai trò vị trí của các cơ quan dịch vụ việc làm, thực sự là cầu nối, đơn vị sự nghiệp công hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tăng cường các hoạt động để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức, khu vực nông nghiệp, khu vực mà không có quan hệ lao động trở thành khu vực chính thức, khu vực có quan hệ lao động./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?