“Để mọi công dân đều được đảm bảo an sinh xã hội”
18/12/2018 04:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là chủ đề của Chương trình Giao lưu trực tuyến do BHXH Việt Nam phối hợp với báo Nhân dân tổ chức sáng 18/12/2018 tại Hà Nội.
Tham dự Chương trình có TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án cải cách chính sách BHXH; Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Đinh Duy Hùng.
Toàn cảnh Chương trình Giao lưu trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Chương trình Giao lưu trực tuyến, Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Báo Nhân Dân điện tử nhấn mạnh, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước. Trong khuôn khổ Chương trình, Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh tin tưởng rằng, buổi giao lưu trực tuyến sẽ góp phần thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về cải cách chính sách BHXH theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Nghị quyết 28/NQ-TW thể hiện quan điểm, tư tưởng về bảo đảm quyền an sinh xã hội
Tại buổi Tọa đàm, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, việc thực hiện an sinh xã hội không chỉ là để bảo đảm cho người dân có an sinh xã hội, mà còn bảo đảm ai cũng được hưởng an sinh xã hội. Nghị quyết 28 thể hiện đầy đủ nhất quan điểm, tư tưởng của Đảng với năm nội dung cơ bản đổi mới trong thực hiện chính sách BHXH.
Đánh giá những điểm mới về tư duy, nhận thức trong cải cách chính sách BHXH, Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang cho rằng, Nghị quyết số 28 là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực và đã tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO.
Thứ nhất, cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào: (1) số người tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi (35% năm 2021; 45% năm 2015; 60% năm 2030) cho đến yếu tố đầu ra thể hiện chất lượng an sinh đó là số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu (45%; 55%; 60%).
Đại biểu tham dự tọa đàm.
Thứ hai, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Thí dụ: Mục tiêu đến 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Thứ ba, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến chính sách mà còn chú trọng cả đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% năm 2021; 85% năm 2025 và 90% năm 2030.
Thứ tư, lần đầu tiên, chúng ta coi phạm vi BHXH không chỉ bao gồm những quan hệ đóng hưởng trực tiếp vào quỹ BHXH mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng hưởng gián tiếp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, hệ thống BHXH đa tầng, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Bên cạnh đó, nhà nước còn có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều này cho thấy Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến việc đảm bảo an sinh cho người dân thông qua việc hướng tới không có người cao tuổi nào trong xã hội không có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ BHXH.
Thứ năm, linh hoạt điều kiện tham gia BHXH để hưởng chế độ. Trước đây, tối thiểu phải 20 năm đóng BHXH, người lao động mới có cơ hội được hưởng lương hưu. Chính quy định thời gian dài dẫn đến rất nhiều lao động khu vực trí thức, nông dân khó có điều kiện để chờ đợi được hưởng lương hưu. Lần này, Trung ương đã đưa ra chủ trương sẽ có lộ trình giảm dần từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí tiến tới còn 10 năm để bảo đảm người dân có lương hưu hoặc từ ngân sách hoặc từ BHXH để bảo đảm cuộc sống tuổi già.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án cải cách chính sách BHXH, ông Phạm Trường Giang cũng cho biết, khi xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH, Tổ biên tập Đề án cải cách chính sách BHXH đã nghiên cứu rất nhiều bài học cả thành công và chưa thành công của những nước đã tiến hành cải cách chính sách BHXH và rút ra 10 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong số 10 bài học kinh nghiệm đó, chính sách BHXH cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân.
Thời gian vừa qua, chính sách BHXH thiếu sự liên kết với các chính sách khác dẫn đến vẫn còn có khoảng 5 triệu người cao tuổi (hơn 60 và dưới 80 mà không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng dẫn đến tuổi già gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định trợ cấp tuổi già (Việt Nam đang áp dụng với người trên 80 tuổi) là tầng lương hưu xã hội trong hệ thống BHXH đa tầng. Chính vì thế, trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH đa tầng được xác định, cụ thể như sau:
Tầng 1: Trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng; có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; có lộ trình mở rộng bao phủ bằng cách điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng lương hưu xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong từng thời kỳ.
Tầng 2: BHXH cơ bản, bao gồm: BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động; BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay và từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động, có sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; từng bước hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự bảo đảm an sinh cho bản thân.
Tầng 3: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Như vậy, khi thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau.
Đồng quan điểm với Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang, TS. Bùi Sỹ Lợi khẳng định, Nghị quyết 28/NQ-TW của Đảng, thể hiện tư tưởng, quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc làm sao để người dân khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn đều được bao phủ bởi chính sách an sinh xã hội. Ý nghĩa quan trọng nhất của Nghị quyết 28 chính là ở hệ thống an sinh xã hội đa tầng, mà trong đó, tầng đầu tiên về chính sách hỗ trợ của nhà nước bảo đảm không có người dân nào rơi xuống dưới sàn an sinh xã hội và trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, không để ai rớt lại phía sau.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi tọa đàm.
Thứ hai, BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) không chỉ bao phủ trong khu vực có quan hệ lao động, khu vực nhà nước mà cả khu phi chính thức, nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Thứ ba, BHXH cũng quan tâm đến đối tượng hưu trí bổ sung, người nào có điều kiện thì nâng đóng góp trước để nâng mức hưởng thụ khi hết tuổi lao động.
Nghị quyết 28 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với người dân để chúng ta bảo đảm một nhà nước, một dân tộc phát triển không chỉ mạnh, bền vững mà còn bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
TS. Bùi Sỹ Lợi cũng đánh giá cao công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân hiểu được bản chất của chính sách an sinh xã hội thông qua chương trình giao lưu trực tuyến do báo Nhân dân phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức. “Truyền thông như thế này đem lại ý nghĩa hết sức quan trọng để mọi người dân tuân thủ pháp luật. Đây chính là quyền, nghĩa vụ chính đáng của người dân để ai cũng được hưởng chính sách BHXH đầy đủ nhất” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.
Cải cách chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng cho từng nhóm đối tượng
Báo cáo đánh giá tổng kết của BHXH Việt Nam, mỗi năm, có 800 nghìn người tham gia vào hệ thống BHXH. Tuy nhiên, theo TS Bùi Sỹ Lợi, để phát triển đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, giải pháp đầu tiên là phải giữ những người đã tham gia, hạn chế số người về BHXH một lần. Đặc biệt cần phải có giải pháp tại khu vực không chính thức (tức là lao động nông thôn, nông dân...). Trước đây, chúng ta có triển khai chương trình Bảo hiểm nông dân của tỉnh Nghệ An. Người nông dân chỉ đóng 10.000 đồng/tháng, và một số người trong đó có những người nhận mức lương hưu 300.000 đồng/tháng như bây giờ. Nếu so sánh với mặt bằng chung hiện nay quả là thấp, nhưng nếu so sánh với mức đóng nhìn lại thì không thể nói là thấp. Có thể đánh giá, đây là chính sách an sinh xã hội hết sức nhân văn.
Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Đinh Duy Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm.
Theo quy định của Luật BHXH, Nhà nước hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo 30% số đóng, cận nghèo 25% và 10% cho hộ khác, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc độ bao phủ thì Nhà nước phải suy nghĩ cần hỗ trợ mức cao hơn, hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động, hướng dẫn để người dân thấy được lợi ích mục tiêu và quan điểm của Đảng, Nhà nước với chính sách an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh, BHXH là một trong những trụ cột quan trọng; Quỹ BHXH do Nhà nước quản lý tập trung tại Trung ương và Nhà nước bảo hộ quỹ này, khi quỹ này bị biến động, nếu chỉ số CPI mà làm giá trị tiền lương hưu không bảo đảm cuộc sống thực tiễn, thì Nhà nước phải điều chỉnh. Vì vậy, công chức được nâng lương 7% thì lương hưu cũng tăng lên 7%. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được hưởng BHXH khi về hưu, hết tuổi lao động, mà còn có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe bản thân trọn đời.
Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý Nhà nước BHXH Việt Nam cần nghiên cứu để điều chỉnh chính sách để nâng mức hưởng thụ của người dân tham gia BHXH tự nguyện, bên cạnh hai chính sách: Hưu trí và tiền tuất, nâng thêm về chế độ thai sản... Tạo ra độ hấp dẫn với chính sách BHXH.
Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc tuyên truyền để kêu gọi hội viên, thành viên của mình tham gia vào chính sách BHXH.
Đối với lao động khu vực phi chính thức, Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang cho biết, sẽ có những hình thức lao động linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mức đóng, phương thức đóng chứ không như bảo hiểm bắt buộc. Chính vì thế, trong Nghị quyết 28 của Trung ương đã có điều chỉnh rất rõ là nghiên cứu, thiết kế các gói BHXH ngắn hạn, linh hoạt cho khu vực phi chính thức để phù hợp với mức đóng, phương thức đóng của người lao động khu vực phi chính thức khi tham gia.
Với chủ trương này, ngày 8/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28, giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề án này và báo cáo Chính phủ trong năm 2019. Đến nay, BHXH đang rất tích cực triển khai, nghiên cứu chính sách này nhằm đảm bảo phù hợp hơn cho người lao động ở khu vực phi chính thức. Ngoài chính sách hưu trí, tử tuất, người lao động khu vực phi chính thức có thể tham gia đầy đủ các chế độ khác. Đây là động lực thôi thúc người lao động tích cực tham gia BHXH tự nguyện.
Về vấn đề mở rộng và phát triển người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, ông Đinh Duy Hùng cho rằng, BHXH Việt Nam luôn coi người tham gia BHXH là khách hàng và các thiết kế trong phương thức tiếp cận để phục vụ chăm sóc người tham gia đã hướng đến lấy khách hàng làm trung tâm.
Một trong những cách thức mà BHXH Việt Nam đang tiến hành đó là mở rộng các mạng lưới (đại lý thu), các đại lý này sẽ được phân bổ rộng rãi ở các tuyến, làng xã để len lỏi vào các gia đình, các khu dân cư để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động và thực hiện các thủ tục phục vụ cho người tham gia trong đăng ký và đóng BHXH. Bên cạnh việc sử dụng các cộng tác viên, các đại lý có truyền thống từ trước trong BHYT, BHXH đang phát triển rộng rãi các tổ chức thực hiện dịch vụ công như Bưu điện Việt Nam để làm mạng lưới thu BHXH tự nguyện và các dịch vụ khác phối hợp với BHXH Việt Nam.
Đồng thời, nâng cao nhận thức không chỉ của những người tham gia mà còn của cả những cá nhân, tổ chức có vai trò tổ chức thực hiện chính sách này, từ các cấp quản lý chính sách đến các cấp tổ chức thực hiện ở các địa phương.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đơn giản hóa tối đa với người tham gia, tuy nhiên, cần phải thay đổi cách thức tổ chức tiếp cận, vận động các nhóm đối tượng khác nhau phù hợp. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã có những kế hoạch, giải pháp khắc phục những tồn tại trong khâu tổ chức thực hiện; bên cạnh đó, cũng có những ý kiến tham mưu, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp./.
TT
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?