Ðổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước
22/11/2018 09:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 21/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Ðổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn ảnh: VGP)
Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Vương Ðình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Trịnh Ðình Dũng; cùng hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, trong giai đoạn 2016-2018, việc cổ phần hóa và phát triển DNNN có những dấu hiệu tích cực. Giá trị cổ phần hóa và thoái vốn gấp 2,5 lần giai đoạn 2011-2015. Hiệu quả hoạt động của DNNN tiếp tục tăng, trong đó tổng tài sản tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4%, nộp NSNN đạt 219.469 tỉ đồng. Riêng doanh thu và lợi nhuận trong 8 tháng đầu năm nay đều đạt trên 70% kế hoạch năm…Tuy nhiên, các DNNN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý, giải quyết sớm như việc định giá quyền sử dụng đất trong xác định giá trị DN, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, tình trạng thất thoát, tham nhũng cũng như công tác cán bộ…
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, Nhà nước vẫn còn nắm giữ khoảng 90% vốn điều lệ tại gần 600 DNNN; hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang có. Vì vậy, Phó Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang có nhiều biến động khó lường, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ nổi lên, việc thực hiện các cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0…đang tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững, sống còn của cộng đồng DN nói chung và DNNN nói riêng.
Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khâu yếu nhất, trực tiếp liên quan đến lãnh đạo DN và các bộ, ngành, địa phương. Thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách, nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, làm mãi không xong, đùn đẩy trách nhiệm. Phó Thủ tướng đề nghị, phải quyết tâm vượt qua tư duy cũ, quyết tâm nói không với tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm - đây là một nguyên nhân chính cản trở quá trình cơ cấu lại DN nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020” để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương phê duyệt và triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại từng DNNN và DN có vốn nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý giai đoạn 2016 - 2020.
Kết quả, trong năm 2016, đã tiến hành cổ phần hóa 66 DN với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn Nhà nước 27.328 tỷ đồng. Trong năm 2017, cổ phần hóa 69 DN với tổng giá trị 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.
Trong 11 tháng năm 2018, có 12 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo báo cáo kết quả chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư ra ngoài đều có lãi; tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, qua quá trình triển khai, cho thấy cổ phần hóa tiếp tục khẳng định là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng.
Dù vậy, Bộ Tài chính cho biết, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn (12 dự án của ngành Công Thương).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Nguồn ảnh: VGP)
Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của DN theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.
Mặt khác, việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc. Nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường; chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán.
Tại Hội nghị, đại diện các tập đoàn, tổng công ty và các bộ, ngành đã có bài tham luận về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.
Kết thúc phần thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN với vai trò là công cụ của nền kinh tế. Bên cạnh việc rà soát mô hình tái cấu trúc, các DNNN cần chủ động hợp tác với đối tác lớn ở nước ngoài. Cùng với đó, các bộ, ngành cần chủ động đề xuất hoàn thiện thể chế, tăng quyền tự chủ của DN. Các bộ cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN thực hiện cho phù hợp với chiến lược phát triển DN của ngành và quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại vai trò, định hướng của DNNN là theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không hành chính hoá, mệnh lệnh hoá với DNNN trừ những việc cần thiết Nhà nước phải chỉ đạo. Công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN đạt nhiều kết quả quan trọng, đó là góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước và giảm số lượng DNNN (từ trên 12.000 xuống còn dưới 600 DN).
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số điểm bất cập, tồn tại. Đó là hiệu quả, đóng góp của nhiều DNNN còn thấp. Nếu quản trị tốt hơn, đầu tư nhất là đầu tư khoa học công nghệ tốt hơn, đóng góp sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, còn nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn. Tính công khai, minh bạch, kiểm tra, kiểm soát có nhiều vấn đề. Những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên chưa nghiêm, còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn, tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn, lợi ích nhóm...
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu các yêu cầu cụ thể đặt ra đối với các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, DNNN. Trong đó nhấn mạnh việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Cổ phần hóa ngay cả DN có hiệu quả để thu hút vốn xã hội, nâng cao năng lực quản trị, góp phần chống tham nhũng. Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng, chống “đi đêm” trong cổ phần hóa.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước để tổ chức thoái vốn theo quy định./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?