Tiếp tục đề xuất, kiến nghị định hướng sửa đổi Luật BHYT
18/10/2018 09:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 18/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về định hướng chính sách sửa đổi Luật BHYT. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, cùng các chuyên gia; đại diện các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức quốc tế...
Quang cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nêu rõ: Ngày 14/11/2008, Luật BHYT số 25/2008/QH121 được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Sau đó, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ngày 13/6/2014, Quốc hội ban hành Luật số 46/2014/QH132 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
Với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 là tăng tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế còn 35%. Chính phủ cũng cam kết đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng nhận định, quá trình thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,4% dân số, tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm, BHYT đã đóng góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực tiễn . Do đó, việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc để BHYT là công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị định hướng sửa đổi Luật BHYT như: Luật BHYT hiện tại đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, song cần sửa đổi một số nội dung bất cập, thiếu khả thi như văn bản quy phạm pháp luật thiếu thống nhất, quy định mức đóng chưa tương xứng với mức hưởng; chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi khám, chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi; còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết dịch vụ y tế; chưa xác định được hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT thuộc loại hình hợp đồng nào (hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự dẫn tới khó xử lý trong trường hợp vi phạm). Trong giám định BHYT thiếu công cụ để thực hiện công tác giám định; quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị, hướng dẫn điều trị chưa rõ ràng...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ là cơ sở để định hướng sửa đổi Luật BHYT hoàn chỉnh, toàn diện. Đáng chú ý là phải giải quyết vấn đề phát triển đối tượng BHYT toàn dân mang tính bền vững; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người dân; bảo đảm nguồn quỹ BHYT đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân; đổi mới cơ chế kiểm soát, phát huy vai trò y tế cơ sở, y học gia đình trong quản lý sức khỏe, chăm sóc sức khỏe; cân bằng mức đóng hưởng BHYT…
Theo TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi sửa đổi Luật BHYT thì nên sửa đổi một cách toàn diện; trong đó tiếp tục khẳng định thực hiện BHYT toàn dân; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT; cân bằng mức đóng và mức hưởng, kiểm soát quỹ hợp lý.
Ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) kiến nghị cần tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi chậm, trốn đóng, bảo đảm công bằng giữa mức đóng và mức hưởng BHYT; quy định phù hợp hơn về chính sách thông tuyến và miễn cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; bổ sung đầy đủ công cụ và phương pháp giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT; quy định chặt chẽ về điều kiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; thực hiện kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở y tế.
Cũng liên quan đến sửa đổi Luật BHYT, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo chuyên gia về định hướng sửa đổi luật này tại Hà Nội (ngày 21/6/2018) và hội thảo về sửa đổi Luật BHYT mở rộng khu vực phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 18/8/2018). Dự kiến, trong quý I-2019, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ về chương trình sửa đổi Luật BHYT trình Chính phủ.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?