Bài 5: Để Nghị quyết đi vào cuộc sống
01/10/2018 10:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Quá trình cải cách, đổi mới chính sách BHXH đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển thị trường lao động, xây dựng và hoàn thiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống rất cần những giải pháp, chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu lớn, phù hợp với thực tiễn.
Hành lang pháp lý - Nền tảng của giải pháp
Việc triển khai ngay lập tức những giải pháp là cách mà Ngành BHXH định hướng và hưởng ứng tích cực Nghị quyết quan trọng này. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định: Việc đầu tiên chúng tôi thực hiện là xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trong toàn Ngành. Trong đó xác định nhiệm vụ tiên quyết là đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền theo đúng định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết số 28. Ngành BHXH sẽ tiếp tục thay đổi cả về nội dung và hình thức tuyên truyền theo hướng đa dạng, thiết thực, tiếp cận tới từng nhóm đối tượng cụ thể. Cùng với đó, Ngành BHXH sẽ tích cực trong công tác hội nhập quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan trong việc xúc tiến các Hiệp định song phương về BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho cả NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài và NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tổ chức chính sách BHXH để phục vụ người dân, NLĐ, đơn vị, DN một cách tốt nhất, hướng tới mục tiêu tạo sự tiện lợi tối đa trong các giao dịch trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Song song đó, tiếp tục cải cách các quy trình nghiệp vụ theo hướng tối ưu hóa và đặc biệt là thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ người dân, NLĐ, đơn vị, doanh nghiệp hướng tới sự hài lòng của người dân.
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, việc luật hóa các chủ trương tại Nghị quyết sẽ là điều kiện quan trọng. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc triển khai thực hiện pháp luật liên quan đến cải cách chính sách BHXH. Quốc hội sớm nghiên cứu thể chế hóa quan điểm, mục tiêu và các nội dung cải cách về BHXH trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; rà soát các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan cần ban hành mới, sửa đổi, bổ sung phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Trong giai đoạn 2019 – 2025, chú trọng hoàn thiện chính sách BHXH có liên quan trong quá trình xem xét, sửa đổi các văn bản: Bộ luật Lao động, Nghị quyết 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Việc làm, Luật BHXH.
Bên cạnh đó, TS Buì Sỹ Lợi cũng cho rằng, đã đến lúc cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách có liên quan theo hướng kịp thời khắc phục các bất hợp lý của chế độ BHXH hiện hành; thiết lập cơ sở pháp lý để mở rộng diện bao phủ hướng tới BHXH toàn dân; xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; cải cách hệ thống chính sách theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; điều chỉnh tỉ lệ tích luỹ để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế.Tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH góp phần bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW trong từng giai đoạn theo lộ trình đề ra.
Có thể thấy, con đường đưa Nghị quyết 28 vào cuộc sống rất cần sự kết nối đồng bộ giữa các chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác mới tạo nên những đột phá khi Nghị quyết đi vào cuộc sống. Với những giải pháp gắn với thực tế trên sẽ là tiền đề để đưa Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn hiệu quả bởi lẽ hành lang pháp lý chặt chẽ và hợp lý thì bài toán “cán đích” sẽ sớm được hiện thực hóa.
Để mục tiêu BHXH toàn dân không xa vời
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà Cải cách BHXH hướng đến nhưng quả thực “bài toán khó” đang đặt ra cho Ngành BHXH nhiều thách thức lớn, cần có sự vào cuộc của các bộ ban ngành liên quan và đặc biệt là sự ủng hộ từ phía người dân, doanh nghiệp. Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt mục tiêu tổng quát “Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”, đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35%, giai đoạn đến năm 2025 đạt khoảng 45%, giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội... là công việc còn rất thách thức. Thực tế là Ngành BHXH đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Hội thảo bàn về giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT của các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp.
Phải nhìn thẳng thực tế là, tuy liên tục được đổi mới, bổ sung, nhưng chính sách BHXH của chúng ta vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Diện bao phủ còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực; quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong dài hạn; các chế độ BHXH còn chưa đa dạng, linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục còn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, NLĐ…
Hiện còn hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà không tham gia BHXH. Đặc biệt là việc nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là gánh nặng lớn cho quỹ BHXH. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh thì trong thời gian qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chính sách BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hoá dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm. Số lượng người rời bỏ hệ thống BHXH (nhận chế độ BHXH một lần) đang tăng nhanh, do điều kiện nhận BHXH một lần quá dễ, mở rộng. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Một số cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn. Nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút người lao động tham gia BHXH. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức còn hạn chế. Người dân (người tham gia BHXH tự nguyện) có thu nhập thấp, không ổn định...
Những rào cản trên khiến cho việc “cán đích” các mục tiêu này đang rất khó khăn. Dù vậy, ngành BHXH vẫn tích cực nỗ lực từng ngày. Bởi những lợi ích to lớn của Nghị quyết 28 đối với người dân đang trở thành động lực thúc đẩy những người có trách nhiệm phải vào cuộc và quyết tâm hơn nữa. Mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TƯ được tiếp cận ở cả đầu vào (đối tượng tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi) và đầu ra (số người được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội so với số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ, cần rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm có nhu cầu và có khả năng như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, sửa đổi chính sách để người lao động chọn phương án bảo lưu thời gian tham gia, thay vì nhận BHXH một lần./.
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?