Thay đổi diện mạo trạm y tế
18/09/2018 02:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong khi các bệnh viện tuyến trên ngày càng quá tải, thì các trạm y tế xã, phường lại luôn rơi vào tình trạng “ế ẩm”. Đây là nghịch lý đang xảy ra ở các cơ sở khám chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh và tồn tại nhiều năm qua, gây lãng phí cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của người dân.
Người dân chưa tin tưởng trạm y tế
Tại TP Hồ Chí Minh, sự đối lập giữa cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên và các trạm y tế xã, phường càng rõ nét hơn khi người dân vẫn chưa tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở. Cụ thể, nằm ngay trong khu vực trung tâm của quận 8 với những khu dân cư đông đúc, sầm uất, nhưng lâu nay, Trạm Y tế phường 5 vẫn chỉ chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình…
Trạm trưởng Trạm Y tế phường 5 Đỗ Thị Bưởi cho biết, thỉnh thoảng, một vài người dân đến trạm để cắt chỉ, rửa vết thương, thay băng, đăng ký tiêm chủng dịch vụ, hoàn toàn không đề nghị khám, chữa bệnh. Mặc dù mới được tăng cường một bác sĩ, nhưng việc khám chữa bệnh vẫn gần như bằng 0.
Tiêm phòng cho trẻ tại một cơ sở y tế ở TP Hồ Chí Minh.
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 319 trạm y tế nhưng tổng số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế này chỉ chiếm từ 3 - 4% tổng lượt khám của toàn thành phố. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, trung bình mỗi ngày, một trạm y tế phường, xã chỉ tiếp nhận khoảng từ 5 - 10 bệnh nhân, thậm chí có những trạm không có một bệnh nhân nào đến đăng ký khám chữa bệnh. Càng ở trung tâm thành phố, số lượng người dân đến trạm y tế càng ít, do khu vực này tập trung nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên khoa.
Lý giải về việc vì sao không đến trạm y tế khám bệnh, người dân phường 5, quận 8 cho hay, trạm y tế phường không có bác sĩ chuyên khoa, không có trang thiết bị cần thiết để có thể khám bệnh, nên không yên tâm khi giao sức khỏe, tính mạng cho trạm y tế.
Nâng cao chất lượng
“Y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế bên cạnh các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa, nếu làm tốt, y tế cơ sở sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân. Song thực tế người dân vẫn chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì vấn đề chất lượng khám chữa bệnh, cán bộ y tế, danh mục thuốc, kỹ thuật… tại tuyến này còn ít. Điều này chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân vượt lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện, tăng chi phí, mất thời gian” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.
Để khắc phục tình trạng này, ngành y tế đã có những giải pháp thay đổi diện mạo, chất lượng của các trạm y tế. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã và đang tích cực triển khai kế hoạch nâng cao năng lực trạm y tế và triển khai thí điểm một mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với những nội dung trọng tâm như hoàn thiện hoạt động dự phòng và kiểm soát dịch bệnh; chuẩn hóa chất lượng hoạt động của trạm y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường hiệu quả các chương trình quản lý sức khỏe người dân; bảo đảm nguồn nhân lực công tác tại trạm y tế và đầu tư có trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
“Một trong những giải pháp quan trọng nhất để đạt được mục tiêu đề ra là phải nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của bác sĩ và nhân viên y tế công tác tại các trạm nhằm bắt kịp sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân” - đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các trạm y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cũng đề xuất, vẫn cần những ràng buộc nhất định trong quy định khám, chữa bệnh. Bởi tâm lý chung của người dân khi có bệnh là đến bệnh viện chứ không phải đến trạm y tế, do đó cần phải bổ sung các quy định không trái pháp luật để phá vỡ tâm lý này. Đơn cử như nên có các quy định loại bệnh nào buộc phải khám ở trạm y tế; loại bệnh nào được khám bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh nào được phép lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương…
Theo Thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, hiện mới chỉ có 151/319 trạm y tế trên địa bàn ký được hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Trong số 151 trạm đã ký hợp đồng BHYT vẫn còn khoảng 70 trạm có rất ít hoặc không có bệnh nhân. Đặc biệt, kể từ thời điểm thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, người dân ồ ạt lên tuyến trên, không đến trạm y tế để khám chữa bệnh.
Theo Báo ĐBND
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?