“Làm sao để đổi mới y tế cơ sở một cách bền vững?”
15/09/2018 09:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là tiêu đề Tọa đàm do Bộ Y tế và Báo điện tử Chính phủ phối hợp tổ chức sáng ngày 14/9. Tham gia buổi tọa đàm có Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; ông Phạm Quang Hải - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Các khách mời tham gia Tọa đàm.
Hiện nay, trên cả nước đang có hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản…. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế này chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Với khoảng 80% số dân nước ta sống ở vùng nông thôn, thì y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 cũng đã đặt ra mục tiêu với ngành y tế là phải bảo đảm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đầu tư cho y tế cơ sở phải đồng bộ cả 3 lĩnh vực: Chuyên môn, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị. Trước những hạn chế và bất cập của y tế cơ sở, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó hút người bệnh về với trạm y tế xã, phường. Đặc biệt, với các trạm y tế chưa có bác sĩ sẽ cử bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc, điều chuyển đi và đến một số y tá, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm. Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời đề nghị BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, qua khảo sát của Bộ Y tế, có tới 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; có tới 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã. Vì vậy, để thay đổi được vấn đề này cần phải có giải pháp cụ thể trong phát triển y tế cơ sở. Đó là nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất (nhà cửa phòng ốc, bàn ghế, giường chiếu, bảng biểu), ứng dụng công nghệ thông tin, cơ chế tài chính đặc thù và công tác truyền thông.
Ngành Y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới toàn diện và đồng bộ tuyến y tế cơ sở, để nâng cao hiệu quả tầm soát và khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, việc đổi mới này đã có hiệu quả đến đâu, còn những khó khăn, vướng mắc gì và khi nào người dân mới thực sự có niềm tin và cảm nhận y tế cơ sở là nơi gần nhất khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội đang quản lý 26 trạm y tế, 5 phòng khám đa khoa với khoảng 200.000 người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Với sự hỗ trợ chuyên môn của Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại Học Y Hà Nội và các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến thành phố... Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã triển khai lập hồ sơ quản lý, điều trị cấp thuốc hằng tháng cho bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính. Tính đến hết năm 2017, huyện Sóc Sơn đã hoàn thành việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân tại trạm y tế và phòng khám đa khoa trên địa bàn huyện.
Tại tọa đàm, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cho biết, mỗi ngày các trạm y tế tại huyện Sóc Sơn khám từ 40 đến 60 bệnh nhân, có trạm khám tới 80 bệnh nhân và được nhân dân thực sự tin tưởng và tỷ lệ chuyển tuyến ngày càng giảm. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Hải cũng cho biết, tại huyện Sóc Sơn hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như: Nguồn lực cho y tế dự phòng còn hạn chế, chưa có chế độ chính sách cho bác sĩ về trạm y tế công tác, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Khó khăn ở Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cũng là thực tế chung ở phần lớn trạm y tế xã, phường trên cả nước. Vì vậy, người dân địa phương hiện nay vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tuyến y tế cơ sở.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?