Cai nghiện ma túy: Chuyển từ hình thức bắt buộc sang tự nguyện
06/09/2018 02:29 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bắt đầu chuyển đổi từ mô hình cai nghiện bắt buộc sang mô hình cai nghiện tự nguyện từ 1/1, chỉ trong 5 tháng, Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số 5 đã tiếp nhận khoảng 870 học viên.
Đã 17 năm làm bạn với “làn khói trắng”, anh Nguyễn Đình Vân (quê ở Thường Tín, Hà Nội) nhiều lần cai nghiện nhưng đều không thành công. Hai tháng gần đây vào Trung tâm chữa bệnh giáo dục, lao động xã hội số 5 (Hà Nội) cai theo hình thức tự nguyện đã đem lại hiệu quả rõ rệt, anh Vân đã được cắt cơn, sức khỏe cải thiện đáng kể và tâm lý rất thoải mái.
Không chỉ riêng anh Vân mà đã có hơn 800 người đã tìm đến Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 5 (Hà Nội) một trong những trung tâm đi đầu trong cả nước về chuyển đổi mô hình cai nghiện bắt buộc sang tự nguyện để làm lại cuộc đời.
Anh Nguyễn Đình Vân tự nguyện đi cai nghiện.
“Chìa khóa” cai nghiện thành công
Theo đề án thí điểm, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội hỗ trợ toàn bộ tiền ăn (20.000 đồng/người/ngày), tiền đồ dùng cá nhân, tiền thuốc cắt cơn, điều trị bệnh thông thường, kinh phí điện nước, vệ sinh, sát trùng, văn hóa, thể dục thể thao… cho tất cả những người đến cai nghiện tự nguyện.
Khác với thời gian cai nghiện bắt buộc là hai năm, hình thức cai nghiện tự nguyện chỉ kéo dài 3-6 tháng. Điều này khiến nhiều người băn khoăn về hiệu quả cai nghiện của mô hình này. Tuy nhiên, từ thực tế số người đến đăng ký cai nghiện liên tục tăng và hiệu quả từ chương trình cai nghiện mới được nhiều học viên hưởng ứng tích cực có thể cho thấy mô hình cai nghiện tự nguyện sẽ trở thành mô hình cai nghiện phù hợp với điều kiện thực tế trong thời gian tới. Đã gần hoàn thành thời gian cai nghiện tự nguyện 3 tháng, anh Nguyễn Đình Vân tâm sự: “Cai nghiện bắt buộc thì thực sự không chủ động cho mình mà ép buộc mình nên tâm lý khi đi cai không thoải mái mọi mặt như cái cai tự nguyện. Động lực thực sự của mình vào đây 3 tháng là cố gắng làm sao ra ngoài cộng đồng cố từ bỏ được ma túy”.
Tâm lý thoải mái, quyết tâm của người nghiện khi lựa chọn đi cai nghiện tự ngyện chính là “chìa khóa” quyết định hiệu quả của công tác cai nghiện. Chương trình cai nghiện tự nguyện cũng được cải thiện phù hợp với mong muốn của học viên khi thời gian thăm gặp gia đình linh hoạt, rất ít thời gian cho lao động sản xuất để tăng thời gian hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe, giải trí…
Giờ tham vấn về thay đổi hành vi với sử dụng ma túy.
Chủ động tìm đến người nghiện
Hiện nay, công suất của Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động số 5 chỉ khoảng 300 học viên/năm nhưng từ khi chuyển sang cai nghiện tự nguyện đã quá tải khi liên tục phải điều trị 600 học viên, điều này cho thấy mô hình cai nghiện tự nguyện đã bước đầu có hiệu quả và thu hút được sự tham gia tích cực của người nghiện ma túy.
Anh Lê Nam, Trưởng phòng tư vấn giáo dục, Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số 5 cho biết: “Chúng tôi cố gắng khơi dậy cho người nghiện sự mong muốn được cai nghiện và điều trị. Chúng tôi đã phân tích trong 214 trường hợp và kết quả khá khả quan, những người tham gia điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện là đa số họ rất có ý thức tự giác. Điều ấy là một bước vững chắc khi mà người ta tham gia tái hòa nhập cộng đồng.”
Nhận thức được hiệu quả của mô hình cai nghiện tự nguyện, trên thực tế nhiều địa phương cũng mong muốn chuyển đổi sang mô hình này. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã thí điểm thực hiện mô hình cai nghiện tự nguyện nhưng ba tháng đầu năm không có một học viên nào đến cai nghiện.
Chia sẻ kinh nghiệm của Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số 5, anh Lê Nam nói: “Chúng tôi trực tiếp đến vận động tại các xã, phường để đưa người nghiện cũng như các bậc phụ huynh có con em sử dụng ma túy đến mục sở thị môi trường cai nghiện tự nguyện thân thiện và chuyên nghiệp. Ở đó, người nghiện ma túy không những được chăm sóc, đối xử như bệnh nhân, mà còn được hỗ trợ kinh phí, giáo dục tâm lý, lối sống và tư vấn việc làm”.
Từ bài học của Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số 5 cho thấy, để đạt được kết quả như mong đợi thì cần phải có lộ trình cũng như sự vào cuộc của cả cộng đồng để bản thân người nghiện cũng như người thân của họ nhận thức đúng đắn được hiệu quả của mô hình cai nghiện tự nguyện.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Bà rịa Vũng Tàu cho rằng, thời gian tới các địa phương cần tuyên truyền cho tất cả người dân đều thấy được rằng nghiện ma túy, nghiện các chất gây nghiện là một bệnh và nhân rộng mô hình chuyển đổi từ cai nghiện bắt buộc sang tự nguyện thì hiệu quả của việc cai nghiện sẽ tốt hơn.
Trong bối cảnh việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn do các quy định chặt chẽ của pháp luật, xu hướng các trung tâm cai nghiện bắt buộc chuyển sang cai nghiện tự nguyện đang là một yêu cầu cấp bách hiện nay./.
Theo Vietnam+
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?