BHXH TP Hà Nội: Đảm bảo quyền, lợi ích người tham gia

13/08/2018 04:33 PM


BHXH TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2018 và đánh giá kết quả 10 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT (1/8/2008 – 1/8/2018) trên địa bàn Thủ đô.

Phát triển thêm 9.621 đơn vị tham gia BHXH, BHYT

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 7/2018, trên địa bàn thành phố đã có gần 1,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, gần 1,5 triệu người tham gia BH thất nghiệp; trên 23.000 người tham gia BHXH tự nguyện và trên 6,4 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 84,6% dân số (nếu tính bao gồm số thẻ BHYT do Bộ Quốc phòng phát hành đạt 86,2%). Toàn thành phố thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được 20.756,4 tỷ đồng, đạt 52,9% kế hoạch thu do BHXH Việt Nam giao, tăng 2.431,7 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2017.

BHXH TP Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia.

7 tháng đầu năm, ngành đã khai thác, phát triển được 9.621 đơn vị với 29.241 người tham gia BHXH, BHYT, tăng 3.257 đơn vị so với cùng kỳ năm 2017. Các chế độ được giải quyết kịp thời, đúng quy định; lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng được chi trả đầy đủ, an toàn, đến tận tay người hưởng; Tổng số tiền thu hồi được sau thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp là 167,47 tỷ đồng/390,55 tỷ đồng tiền nợ (đạt 42,9%).

Trong công tác giám định BHYT, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện hệ thống thông tin giám định BHYT trong việc giám định thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT và kiểm soát quỹ BHYT. Hằng tháng đã thực hiện thông báo chi phí phát sinh trên hệ thống thông tin giám định cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT và sử dụng số liệu này làm căn cứ tạm ứng, qua thẩm định, chi phí khám chữa bệnh BHYT 6 tháng đầu năm 2018, dự kiến từ chối thanh toán bổ sung 432,1 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ 5 tháng cuối năm, BHXH TP Hà Nội tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp với Ban tuyên giáo Thành ủy tham mưu Thường trực Thành ủy tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW và Chương trình hành động của Thành ủy về cải cách chính sách BHXH đến toàn thể lãnh đạo chủ chốt của Thành phố. Giám đốc BHXH quận, huyện, thị xã cần chủ động tham mưu với quận, huyện, thị ủy về xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28 trên địa bàn, hoàn thành các chỉ tiêu theo từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BXHH, BHYT, tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp và người lao động, nhất là các doanh nghiệp chưa tham gia.

Tiếp tục tăng cường phối hợp với Sở, ngành liên quan thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra thu nợ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trên địa bàn thành phố; phối hợp với Công an Thành phố tập hợp hồ sơ, tài liệu đối với những doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ BHXH dưới 3%.

Tiếp tục thực hiện rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động đảm bảo chất lượng, phấn đấu hoàn thành việc trả sổ BHXH cho người lao động trước 30/9/2018...

Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, BHXH Hà Nội cho biết, số lao động tham gia BHXH tăng gần gấp 1,73 lần, số tiền thu BHXH tăng 7,77 lần so với năm 2008. Bình quân mỗi năm số lao động tham gia BHXH bắt buộc mới tăng 65.540 người.

Sau 10 năm, số người tham gia BHYT tăng gấp 2,2 lần so với năm 2008, tăng 942.987 người tham gia BHYT hộ gia đình. 10 năm qua, BHXH thành phố đã chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trên 196 nghìn tỷ đồng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, an toàn, đúng quy định với 2 hình thức chi trả qua hệ thống bưu điện và tài khoản ATM; giải quyết hưởng chế độ cho trên 10 triệu lượt đối tượng thụ hưởng, tăng 15,8 lần so với năm 2008. Tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT đã thanh toán là 44.697,6 tỷ đồng với trên 57 triệu lượt người có thẻ BHYT được đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh.

BHXH Thành phố cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Thanh tra thành phố, Công an, Cục thuế… tiến hành gần 1.000 đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị trên địa bàn Thành phố về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Sau thanh tra, kiểm tra, thu được 3.675,1 tỷ đồng, khởi kiện ra tòa án 1.127 đơn vị nợ tiền BHXH với số tiền thu được là 91,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và nghiên cứu khoa học trong việc quản lý điều hành, tổ chức thực hiện được triển khai ở tất cả các khâu nghiệp vụ như tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính, thu, sổ thẻ, kế toán, giải quyết chế độ chính sách, chi 2 chế độ ngắn hạn…

Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, trang bị tương đối toàn diện như camera giám sát, máy xếp hàng tự động, màn hình cảm ứng tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa, hệ thống mạng LAN, WAN hoàn chỉnh, hệ thống giao ban trực tuyến từ Văn phòng đến 30 BHXH quận, huyện, thị xã.

Đặc biệt, từ năm 2011, BHXH Hà nội triển khai quy trình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, đến năm 2015 tiếp tục triển khai giao dịch hồ sơ điện tử, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính viễn thông. Đến nay đã xây dựng hoàn thiện 13 quy trình thủ tục gao dịch hồ sơ điện tử về lĩnh vực thu, cấp sổ thẻ với 58.592 đơn vị sử dụng chiếm 92,3%, 90% hồ sơ được trả kết quả thông qua hệ thống bưu chính.

Năm 2018, tiếp tục triển khai bổ sung quy trình giao dịch điện tử mức độ 4 về kê khai, thu nộp BHXH, BHYT kết suất dữ liệu trích nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động từ hệ thống ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước kịp thời chính xác đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong thụ hưởng, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT.

Theo LĐTĐ