7 tháng đầu năm 2018: Chú trọng các chính sách an sinh xã hội
02/08/2018 03:42 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 01/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.
Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 về tình hình kinh tế - xã hội và những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua. (Ảnh: baochinhphu)
Tại buổi Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong hai ngày (ngày 31/7 và 01/8), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 thảo luận một số nội dung quan trọng trong công tác xây dựng thể chế và nhất là tình hình kinh tế-xã hội trong bối cảnh chúng ta đã đi qua hơn 1/2 chặng đường của năm 2018.
Chính phủ nhận định, tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kết quả tháng 7 tốt hơn tháng 6. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước sau 3 tháng tăng liên tiếp (tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%). CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước. Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá, nổi bật nhất là ngành Thủy sản với sản lượng ước tăng khoảng 5,7%. Khu vực công nghiệp tăng trưởng rất tích cực, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 7 tăng mạnh 14,3% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ đầu tháng 2/2018 đến nay. Khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 doanh nghiệp (tăng 3,9% so với cùng kỳ 2017). Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 doanh nghiệp (tăng 6,5% so với cùng kỳ). Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 133,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Cả nước xuất siêu 3,1 tỷ USD. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ đồng, đạt 38,77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Khách du lịch quốc tế đến VN 7 tháng ước đạt 9 triệu lượt khách, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các chính sách an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được quan tâm chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Đặc biệt, các đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ Olympic quốc tế các môn Toán (1 vàng, 2 bạc, 3 đồng), Vật lý (2 vàng, 2 bạc, 1 đồng), Sinh học (3 vàng, 1 bạc) đều đạt kết quả xuất sắc. Các vụ tiêu cực, gian lận thi cử đã và đang được cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ và Thủ tướng yêu cầu xử lý quyết liệt vấn đề này.
Các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực cải cách và đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%; Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. Ban Thư ký Liên hợp quốc công bố Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 (SDG Index 2018) của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2018), Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 45/124 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Một điều đáng mừng nữa là theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể, kịp thời, chủ động.
Thứ nhất, tình hình bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thiên tai trong 7 tháng năm nay đã làm 78 người chết và mất tích, 64 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 1,7 nghìn tỷ đồng.
Thứ hai, chỉ số CPI mặc dù đã giảm 0,09% sau 3 tháng tăng liên tiếp, tuy nhiên, sức ép tăng giá tiêu dùng vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và có nhiều thách thức.
Thứ ba, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản lớn đến hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Tiến độ cổ phần hóa DNNN, bán vốn nhà nước còn chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai.
Đặc biệt vừa qua vụ việc tiêu cực, gian lận thi cử tại một số địa phương (Hà Giang, Sơn La) gây ảnh hưởng đến niềm tin xã hội. Cùng với đó, xã hội quan tâm nhiều vấn đề như nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam...
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước, diễn biến giá dầu thế giới,...
Kiên định, kiên trì mục tiêu bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp (đặc biệt DNNN), phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công.
Về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành liên quan đã vào cuộc xử lý rốt ráo, quyết liệt, triệt để để lấy lại niềm tin của nhân dân và xã hội; nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm, đồng thời lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các cách thức tổ chức thi, đưa ra các giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo giải trình với Chính phủ và nhận trách nhiệm đối với vụ việc này.
Về công tác phòng chống thiên tai: Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân vùng thiên tai. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, sạt lở để chủ động các phương án ứng phó. Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều hồ chứa thủy lợi, thủy điện… Bảo đảm tốt việc cung ứng lương thực, hàng hóa, không để đồng bào vùng bị thiên tai thiếu đói, thiếu thực phẩm, nước uống, không để giá nông sản thực phẩm tăng cao.
Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành không được để mất cảnh giác trong công tác phòng chống thiên tai. Đây phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của các cấp, các ngành; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong công tác phòng chống thiên tai.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã dành thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, thảo luận về một số dự thảo Luật: dự thảo Luật giáo dục sửa đổi và Luật Giáo dục đại học sửa đổi (đề cập một số nội dung được quy định trong Luật về đổi mới thi, cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; đánh giá chất lượng học-thi, vấn đề tự chủ đại học,...); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự;…
Tại phiên họp Chính phủ tháng 7, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan địa phương và kết quả kiểm tra tháng 7 của Tổ công tác.
Qua kiểm tra cho thấy, mặc dù các Bộ đã có nhiều cố gắng rà soát, đề xuất phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tuy nhiên tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh chưa cao. Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 616/9.339 (đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm được 900/5.905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%).
Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng đã trao Quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)./.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?