05 giải pháp trọng tâm bảo vệ quyền lợi chính sách BHXH cho người lao động

27/07/2018 01:48 PM


Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung vừa kí văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn về giải pháp bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước thực trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

 (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Đại biểu chất vấn: “Trước thực trạng rất nhiều doanh nghiệp nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như hiện nay (riêng năm 2017 từ kết quả thanh tra của ngành bảo hiểm xã hội phát hiện 42.263 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 88,2 tỷ đồng; có 50.734 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 47,3 tỷ đồng) cho thấy các giải pháp mà ngành đưa ra chưa thực sự hiệu quả. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá trong thời gian tới để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người lao động”.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện còn tình trạng nhiều doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Quá trình triển khai thực hiện Luật bảo hiểm xã hội cho thấy mặc dù số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội đã giảm hơn so với một số năm trước nhưng tỷ lệ vẫn còn cao. Nguyên nhân chủ yếu là do sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của một số cấp ủy, chính quyền địa phương; ý thức chấp hành pháp luật của một số người sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước; chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Để hạn chế tình trạng này, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Trình Chính phủ Đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương nhằm tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thứ hai, Đổi mới toàn diện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội cả về nội dung và cách thức cho người sử dụng lao động và người lao động nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Thứ ba, Phối hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan (cơ quan lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, thuế, kế hoạch đầu tư) để nắm bắt chính xác số doanh nghiệp, người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thứ tư, Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội, trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Thứ năm, Phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện quy trình khởi kiện ra Tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện khởi tố một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm răn đe đối với các doanh nghiệp khác.

PV