Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH

28/06/2018 04:07 PM


Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động và hiện đại hóa quy trình quản lý, trong thời gian qua, ngành BHXH đã và đang tập trung tối đa nguồn lực, triển khai đồng loạt các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...

Đến nay, ngành BHXH đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4... đồng thời ngành tiếp tục cắt giảm 4 thủ tục hành chính (TTHC), đưa số TTHC của ngành từ 32 xuống còn 28 thủ tục; hợp lý hóa các quy trình nghiệp vụ để rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định) hay những trường hợp cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày (trường hợp thay đổi thông tin không quá ba ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định)... Đặc biệt, tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí mới đây, BHXH Việt Nam cho hay từ ngày 1/1/2019, thời gian giải quyết cấp thẻ BHYT chỉ trong ngày. Cũng theo lộ trình trên, trường hợp thay đổi thông tin sổ BHXH, thẻ BHYT sẽ được BHXH Việt Nam xử lý không quá 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, việc thực hiện trong ngày.

Đáng chú ý, phần mềm giám định BHYT điện tử đã thực hiện giám định đối với 100% hồ sơ đề nghị thanh toán và tích hợp trên 200 quy tắc phát hiện hồ sơ trùng lặp, sai mức hưởng, sai danh mục, sai giá, sai các quy định về khám chữa bệnh. Theo thông tin từ Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 11/6/2018 đã có hơn 73,5 triệu hồ sơ được 12.307 cơ sở khám, chữa bệnh gửi lên Cổng với tổng số chi phí khám bệnh, chữa bệnh tương ứng trên 46.000 tỷ đồng. Trong số 73,5 triệu hồ sơ có hơn 72,5 triệu hồ sơ đã được gửi sang đề nghị giám định thanh toán với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 45.000 tỷ đồng. Tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt 97,6% (12.307 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu/12.614 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT).

Những kết quả đó không chỉ góp phần đưa ngành BHXH trở thành một điểm sáng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách TTHC, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn được người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng như Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia BHXH, đồng thời thực hiện hiệu quả công tác quản lý của ngành, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam vừa yêu cầu Tổ công tác cải cách TTHC của ngành, các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương cần chủ động khắc phục những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, đơn giản các TTHC; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử; tích cực huy động dịch vụ công và nâng cao chất lượng thực thi đạo đức công vụ. Về giao dịch điện tử, các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương thực hiện đầy đủ các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng giao Trung tâm Công nghệ thông tin chủ trì, hỗ trợ BHXH các địa phương hoàn thiện các hệ thống trang thiết bị, phần mềm, liên thông cơ sở dữ liệu, ưu tiên cao nhất các hoạt động nghiệp vụ, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân qua giao dịch điện tử. Vụ Pháp chế chủ trì, cùng các đơn vị nghiệp vụ, BHXH địa phương phối hợp rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản triệt để hơn nữa các TTHC của Ngành. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh kết cấu TTHC, cách thức mô tả trình tự thực hiện của từng TTHC trong quyết định công bố theo hướng đơn giản, dễ hiểu. BHXH các địa phương thống nhất niêm yết, công khai trong toàn Ngành, để người dân tiếp cận, giảm chi phí, thời gian tìm hiểu thủ tục và chuẩn bị hồ sơ...

Theo Báo SK&ĐS