Hội nghị phổ biến Bộ Luật Hình sự năm 2015

11/05/2018 02:51 PM


Sáng 11/05, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến Bộ Luật Hình sự năm 2015. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân, cùng gần 700 cán bộ, công chức, viên chức cơ quan BHXH Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, đánh dấu bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân,… BLHS gồm 26 chương, 426 điều, đặc biệt trong đó, lần đầu tiên quy định hình sự hoá đối với các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thay vì chỉ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như thời gian qua.

Tại Hội nghị, TS.Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) đã phổ biến, giới thiệu sơ bộ về BLHS với một số nội dung cụ thể như: Quan điểm chỉ đạo xây dựng BLHS; những điểm mới cơ bản của BLHS;… Nhân dịp này, TS.Trần Văn Dũng cũng đã giới thiệu cụ thể các điều luật hình sự về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (Điều 214. Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp; Điều 215. Tội gian lận BHYT; Điều 216. Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động); và thông tin sơ bộ về các phương thức nhận diện dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh tới tầm quan trọng của BLHS trong các mặt đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. BLHS có quy định một số điều luật - hình sự hoá các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, thể hiện bước phát triển mới nhằm bảo vệ tối ưu hơn nữa quyền lợi an sinh thiết thân của người lao động, hướng tới việc bảo đảm quyền an sinh xã hội của mọi công dân./.

PV