Cải thiện an toàn vệ sinh lao động cho lao động trẻ

17/04/2018 03:18 PM


Ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc (ILO) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Vì một thế hệ NLĐ an toàn và khỏe mạnh: Cải thiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho lao động trẻ".

Toàn cảnh Diễn đàn.

Diễn đàn nhằm hưởng ứng Ngày thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc ngày 28/4 tới đây. Tại Diễn đàn đã cho thấy lao động trẻ là hình ảnh và cũng là chủ nhân tương lai của đất nước nhưng lạị phải đối mặt với nhiều rủi ro khi làm việc.

Nhằm cải thiện điều kiện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho lao động trẻ, Tổ chức ILO đã đã tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu về thực trạng kiến thức, thái độ và hành vi về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của lao động trẻ trong ngành nông nghiệp và các làng nghề ở tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên và TP Đà Nẵng.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn lao động được khảo sát là lao động làm trong khu vực phi chính thức và đây cũng là nhóm không được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Trong khi đó phần lớn lao động nhóm này thường làm việc 40 giờ tuần và đối diện với nhiều rủi ro.

Đáng chú ý theo nghiên cứu đây cũng là nhóm đối tượng có xu hướng tuân thủ các quy định an toàn thấp hơn, như không thực hiện các bước đảm bảo an toàn và không quan tâm tới các quy trình an toàn trong lao động.

Trong nông nghiệp, lao động trẻ và người sử dụng lao động trẻ vẫn không hiểu sâu về các bước cần thực hiện để giảm bớt rủi ro trước tác hại lâu dài của thuốc trừ sâu. Ở các làng nghề, người sử dụng lao động thường đánh giá thấp nguy cơ phát sinh từ những máy móc không được bảo dưỡng, bảo trì đầy đủ và nhu cầu về thiết bị bảo hộ. Nhiều lao động trẻ tin rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố liên quan đến công việc.

Tương tự, người sử dụng lao động cũng không cần phải quan tâm đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vì chưa bao giờ xảy ra tai nạn tại nơi làm việc của họ.

Phát hiện của nghiên cứu cũng đã nêu bật những khoảng trống về kiến thức và thái độ trong ngành nông nghiệp và các làng nghề. Đây cũng chính là nơi tạo ra các rào cản chính và các lĩnh vực cần cải thiện để nâng cao thái độ và hành vi an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong nông nghiệp và các làng nghề nhằm đem lại lợi ích cho lao động trẻ ở Việt Nam.

Lao động trẻ, nhất là trong khu vực nông nghiệp, thiếu nhận thức và các khái niệm về an toàn lao động cơ bản. Nhiều lao động trẻ và người sử dụng lao động trẻ không hiểu biết nhiều về pháp luật ATVSLĐ và các thể chế có liên quan.

Nói về những rủi ro mà lao động trẻ phải đối diện hiện nay ông Hà Tất Thắng Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH thừa nhận, dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức trong việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ khi làm việc. Trong đó bao gồm cả thách thức trong vấn đề nâng cao nhận thức, kỹ năng và hiểu biết về việc tuân thủ các quy định ATVSLĐ của lao động trẻ.

Theo thống kê, hiện nay thế giới có 541 triệu NLĐ trẻ tuổi (15-24 tuổi), trong đó gồm 37 triệu lao động trẻ em. Lao động trẻ chiếm hơn 15% lực lượng lao động trên thế giới và có nguy cơ cao phải chịu các tai nạn thương tích và bệnh nghề nghiệp cao hơn 40% so với những người trên 25 tuổi.

Là quốc gia có đông lao động trẻ trong độ tuổi 15-24, Việt Nam đã ban hành những chính sách, quy định hướng tới việc bảo đảm ATVSLĐ cho lao động trẻ như: Quy định DN, người SDLĐ có trách nhiệm huấn luyện ATVSLĐ cho lao động mới vào làm việc, lao động học nghề; quy định về việc bảo đảm ATLĐ cho lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động (phi kết cấu)- nơi thường có nhiều lao động trẻ tự lập nghiệp, hoặc làm việc trong các ngành nghề nông- lâm- ngư nghiệp…

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn đối mặt nhiều thách thức, tồn tại trong ngăn ngừa, giảm thiểu TNLĐ nói chung và TNLĐ trong lao động trẻ nói riêng, trong đó bao gồm cả thách thức trong vấn đề nâng cao kỹ năng và nhận thức về việc tuân thủ các quy định ATVSLĐ của lao động trẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Tại Việt Nam, trong năm 2017 đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ, làm 9.173 người bị nạn, trong đó 898 vụ TNLĐ chết người, làm 928 người chết. Đây là những thách thức và tồn tại đối với Việt Nam.

Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động. Họ chính là tương lai của đất nước; song có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự cố mất an toàn trong lao động mà lao động trẻ phải đối mặt như: Điều kiện việc làm, thiếu kỹ năng và kiến thức, chưa có tiếng nói về vấn đề ATLĐ.

Nhiều bằng chứng cho thấy, đây cũng là nhóm đối tượng có xu hướng tuân thủ các quy định ATLĐ thấp hơn, không thực hiện các bước đảm bảo an toàn và không quan tâm tới các quy trình an toàn trong lao động... Vì vậy, để đảm bảo ATVSLĐ, đảm bảo tương lai bền vững cho lao động trẻ, rất cần sớm đưa kiến thức ATVSLĐ vào giảng dạy trong các trường phổ thông, trường dạy nghề.

Theo bà Valentine- Đại diện Dự án An toàn và Sức khỏe cho lao động trẻ (thuộc ILO), Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần lồng ghép an toàn sức khỏe nghề nghiệp vào giáo dục. Trong đó, xây dựng và thực hiện tại tất cả cấp giáo dục, nhằm thúc đẩy văn hóa phòng ngừa, giúp người SDLĐ và NLĐ nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó loại bỏ và kiểm soát được rủi ro cho bản thân.

“Chủ đề của Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc của ILO năm nay là xây dựng một thế hệ NLĐ an toàn và khỏe mạnh. Để làm được việc này, chúng ta phải chuẩn bị từ rất sớm và nên bắt đầu từ gia đình, cộng đồng thông qua giáo dục và dạy nghề. Đặc biệt, sự hỗ trợ của tổ chức đại diện cho NLĐ đóng vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo rằng NLĐ có khả năng thực hiện quyền của mình và dám lên tiếng đối với những vấn đề về ATVSLĐ”- bà Valentine nhấn mạnh.

PV (t/h)