Chính phủ kiến tạo và phục vụ cần được hình thành từ văn hóa tiếp nhận và phản hồi thông tin

09/04/2018 11:22 AM


Là một cán bộ làm công tác tuyên giáo, chúng tôi khá quan tâm đến những thông tin về hoạt động của BHXH Việt Nam. Hơn thế nữa, với phạm vi “phủ sóng” ngày càng rộng của hai chính sách an sinh xã hội quan trọng này, thiết nghĩ thông tin về BHXH, BHYT nhận được sự quan tâm của mọi người dân chứ không chỉ riêng tôi.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Những ngày vừa qua, khi quan sát Ngành BHXH xử lý những thông tin báo chí nêu về một số tồn tại, hạn chế, bất cập – dù sự việc nhỏ và tưởng như không có liên quan trực tiếp đến Ngành, chúng tôi thấy rõ ở đó là sự cầu thị, tinh thần tiếp thu thông tin từ báo chí và ý kiến phản hồi của BHXH Việt Nam – một động thái hết sức đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng tại các cơ quan công quyền.

Còn nhớ ở thời điểm nhậm chức của mình ngay trong đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm nức lòng người dân khi có những phát biểu hết sức quyết liệt, tâm huyết và trách nhiệm về một Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Theo Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ là tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một Chính phủ mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch, luôn sáng tạo và lấy sự cống hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc làm chính, một Chính phủ thân thiện.

Thủ tướng cho rằng, để xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và hành động thì phải tạo được sự chuyển động của cả hệ thống, nhất là cấp hành chính cơ sở, trực tiếp phục vụ doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, báo chí, với vai trò là người giám sát và phản biện xã hội, đã có nhiều phát hiện các vụ việc tiêu cực, tồn tại, hạn chế của các cơ quan công quyền, từ cấp cơ sở đến cấp trung gian. Đáng buồn là nhiều cơ quan công quyền khi tiếp nhận các thông tin báo chí nêu thường có thái độ né tránh, hoặc khi đối mặt với thông tin lại thường có hành vi đổ lỗi cho rất nhiều nguyên nhân khách quan mà hiếm khi nhận lỗi về chủ quan. Chính thái độ “sợ lỗi” này đã dẫn tới cách giải quyết vấn đề tiếp sau đó: không xử lý trực tiếp nguyên nhân gốc rễ của vụ việc, tìm cách che đậy, lấp liếm hoặc phủ nhận lỗi và không đặt mục tiêu phục vụ người dân trên hết. Trái ngược với cách né tránh thông tin thông thường, trong vụ việc được Truyền hình Nhân dân phản ánh mới đây về một trưởng thôn tại làng K’Leng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum thu tiền phí chuyển thẻ BHYT của người dân, BHXH Việt Nam đã có cách tiếp cận và xử lý thông tin hết sức bài bản, chuyên nghiệp, và trên hết, chúng ta nhận thấy việc bảo đảm tốt nhất quyền lợi của nhân dân đã được đặt lên trên hết. Ngay sau khi nhận được thông tin về việc người dân thuộc đối tượng được Nhà nước cấp thẻ BHYT trên địa bàn làng K’Leng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum phải trả tiền với mức phí 5.000 đồng/thẻ cho trưởng thôn khi nhận thẻ BHYT mới,chỉ trong chưa đầy 24 giờ, BHXH Việt Nam đã có Công văn yêu cầu BHXH tỉnh Kon Tum kiểm tra, xử lý, làm rõ vụ việc, báo cáo BHXH Việt Nam. Mặc dù trong thông tin đã nói rõ người có hành vi sai phạm là một trưởng thôn, không phải viên chức, lao động thuộc cơ quan BHXH, nhưng BHXH Việt Nam không vì vậy mà dửng dưng ngoài cuộc, bên cạnh việc chỉ đạo kiểm tra, xử lý vụ việc tại địa chỉ cụ thể được báo chí nêu, BHXH Việt Nam còn yêu cầu BHXH tỉnh Kon Tum rà soát, báo cáo tình hình cấp thẻ BHYT mới cho người tham gia trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó nêu rõ số người đến nay chưa nhận được thẻ của từng nhóm đối tượng và nêu rõ nguyên nhân. Đồng thời, tổng hợp hệ thống các văn bản hướng dẫn bổ sung của BHXH tỉnh, huyện về quy trình cấp thẻ BHYT mới; chỉ đạo BHXH các huyện kiểm tra việc chuyển phát thẻ BHYT đến tay đối tượng, nếu phát hiện có việc thu phí không có trong quy định, kịp thời thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xử lý; nếu phát hiện công chức, viên chức cơ quan BHXH có liên quan, nghiêm túc xử lý theo quy định của pháp luật. Đây chính là cách ứng xử với thông tin mà tất cả chúng ta mong đợi, từ một vụ việc cụ thể để có kiểm tra, rà soát, phòng tránh những hành vi tương tự có thể xảy ra trên địa bàn rộng.

Sự nghiêm túc của cơ quan Trung ương đã tạo ra một hiệu ứng lan tỏa hết sức tích cực đến việc xử lý và giải quyết vụ việc ở cấp cơ sở. Đích thân Giám đốc BHXH Kon Tum dẫn đầu đoàn công tác phối hợp với UBND huyện Sa Thầy thành lập đoàn kiểm tra vụ việc này. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, UBND huyện Sa Thầy và BHXH huyện đã có kết quả kiểm tra, làm rõ sự việc đối với trường hợp cấp thẻ BHYT tại làng K’Leng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy tỉnh KonTum theo thông tin phản ánh của báo chí, yêu cầu cá nhân làm sai (trưởng thôn làng K’Leng) phải kiểm điểm trước dân và có kế hoạch hoàn trả người dân số tiền đã thu bất hợp pháp cho người dân.

Quay trở lại với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, trước hết phải là một Chính phủ thân thiện, ở đó mọi thông tin phản biện sẽ được lắng nghe với tinh thần cầu thị và ý chí xây dựng, hướng tới mục tiêu tối thượng là lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Vì vậy, xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ, có lẽ và nên chăng cần được xây dựng từ chính văn hóa tiếp nhận và phản hồi thông tin?!

Nguyễn Văn Chiến - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Tỉnh Kon Tum