Chính sách BHXH: Cấp thiết phải đổi mới
06/04/2018 10:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhằm mở rộng diện bao phủ, tăng cường sự bền vững của Quỹ BHXH cũng như bảo đảm an sinh xã hội, nhiều chính sách sẽ được cải cách. Trong đó, nội dung quan trọng cần cấp thiết được đổi mới chính là nhằm bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, tính công bằng, bền vững và sự chia sẻ.
Đổi mới chính sách BHXH sẽ góp phần bảo đảm nguyên tắc công bằng, bền vững và sự chia sẻ.
Nhiều hạn chế cần được xử lý
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân, chính sách BHXH của nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn và ngày càng mở rộng tới nhiều đối tượng, nhiều loại hình đơn vị. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2018, chính sách BHXH tiếp tục mở rộng tới người lao động có hợp đồng từ 1 đến 3 tháng, người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Tính đến nay, cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH (chiếm 28% lực lượng lao động). Hằng năm có khoảng 4-5 triệu người hưởng chính sách BHXH ngắn hạn, 150 nghìn người hưởng các chế độ dài hạn và có gần 3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Tuy nhiên, ông Lê Quân cũng cho rằng, chính sách BHXH đang có những hạn chế, nhất là tỷ lệ bao phủ BHXH chưa cao, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp. Có tới 700 nghìn người đang hưởng BHXH một lần, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, làm việc nặng nhọc, lao động nữ… Những vấn đề này nếu không được xử lý sớm thì có nguy cơ Quỹ BHXH về dài hạn sẽ bị mất cân đối.
Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, thách thức lớn nhất trong việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH chính là việc phát triển đối tượng tham gia. Tuy đối tượng tham gia ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ bao phủ về BHXH vẫn còn thấp; cùng với đó, tốc độ già hóa dân số diễn ra rất nhanh, đây sẽ là gánh nặng đối với thế hệ tương lai. Bởi theo dự báo, số người đóng góp vào Quỹ BHXH sẽ ngày càng ít hơn so với số người hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, còn một số tồn tại trong chính sách BHXH như: Một số nhóm lao động có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở và khoảng cách giữa người có mức lương hưu thấp nhất và cao nhất quá xa. Việc điều chỉnh tăng mức lương hưu các năm qua còn mang tính cào bằng, phát sinh những bất cập mới cần được nghiên cứu xử lý sớm, việc thiết kế mức đóng, hưởng đối với chế độ hưu trí chưa phù hợp. Nguyên tắc đóng - hưởng tuy đã có quy định trong Luật BHXH nhưng chưa triệt để, chưa có sự chia sẻ giữa những người tham gia. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, mới chỉ chiếm khoảng 60% số tiền người lao động nhận được khi đang làm việc, tạo ra sự hẫng hụt về thu nhập khi nghỉ hưu. Trong khi đó, Luật BHXH chưa có quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi… Thực tế nói trên đòi hỏi chính sách BHXH cần được đổi mới trong giai đoạn sắp tới…
Xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng
Theo ông Điều Bá Được, để khắc phục những hạn chế như trên, nhận thức về nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ, bền vững cần được đổi mới. Trong đó cần ưu tiên xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng nhằm tăng diện bao phủ, bảo đảm quyền về an sinh xã hội của người dân và tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn bổ sung thu nhập vào lương hưu khi về già.
Ông Được cũng cho rằng, hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng này gồm 3 tầng. Tầng 1 là lương hưu xã hội (trợ cấp tuổi già) phổ cập toàn dân do ngân sách nhà nước bảo đảm. Tầng 2 là bảo hiểm hưu trí (bảo hiểm tuổi già) dựa trên đóng góp vào Quỹ BHXH theo loại hình bắt buộc hoặc tự nguyện: Thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện nhằm tạo thói quen, hình thành văn hóa đóng BHXH cho người dân để tăng dần độ bao phủ tiến tới BHXH toàn dân. Tầng 3 là bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện, bổ sung thu nhập cho người về hưu ở tầng 2 hoặc bổ sung thu nhập khi tham gia các chương trình bảo hiểm hưu trí khác; thực hiện theo hình thức tự nguyện, hoạt động theo quy định của pháp luật với mục đích bảo đảm hoặc bổ sung thu nhập cho người tham gia khi đến tuổi già.
Để bảo đảm công bằng và sự bền vững của Quỹ BHXH, mức đóng, hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí cần được xây dựng phù hợp, linh hoạt. Quy định mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, Quỹ BHXH tối thiểu phải bằng 70% số tiền thực tế mà người lao động nhận được, kiểm soát các khoản thu nhập ngoài lương, chống chuyển giá, trốn thuế. Quy định mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cao nhất không quá 10 lần mức bình quân chung của tất cả những người tham gia đóng BHXH, thấp nhất bằng mức sống tối thiểu chung của dân cư. Nghiên cứu giảm thời gian đóng vào Quỹ BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ đủ 20 năm xuống còn từ đủ 15 năm theo lộ trình, từ năm 2030 trở đi có thể giảm tiếp hoặc giữ nguyên, tùy theo tình hình cụ thể.
Ông Điều Bá Được nhấn mạnh, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để cho các loại hình này phát triển lành mạnh, bình đẳng, công bằng, hiệu quả; bảo toàn và tăng trưởng giá trị tài sản của người tham gia; giúp người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của mình. Đồng thời đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cần được mở rộng. Chính sách sẽ tiến tới quy định người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, có thu nhập, bắt buộc phải đóng BHXH...
Thống kê cho thấy, tỷ lệ số người đóng cho một người hưởng lương hưu giảm đi rất nhanh. Năm 1996, số người đóng cho một người hưởng là 217 người, năm 2006 là 12,6 người, năm 2015 là 12,1 người, thì đến năm 2016 chỉ còn 8,5 người đóng cho một người hưởng.
Theo Báo HNM
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển ...
BHXH tỉnh Tiền Giang: Triển khai nhiệm vụ BHXH, BHYT năm ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?