Giám định viên BHYT - Những người thầy thuốc thầm lặng

05/03/2018 10:18 AM


Là đồng nghiệp, tôi luôn đồng cảm và chia sẻ với những cán bộ làm giám định viên BHYT, họ luôn thầm lặng, gánh trên vai trọng trách nặng nề vừa phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT, vừa phải đảm bảo an toàn nguồn quỹ BHYT.

Các giám định viên đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

Lên thăm các đồng nghiệp đang trực giám định BHYT 24/24 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn trong mùa đông giá rét, cánh cửa phòng được khép lại để che bớt đi những cơn gió đông.

Trong bộn bề công việc, những cán bộ giám định đang miệt mài bên máy tính và những chồng hồ sơ bệnh án che khuất đi những khuôn mặt của họ. Sự có mặt của tôi phần nào đã xóa tan đi sự tập trung công việc của căn phòng nhỏ chừng 25m2.

Nghề giám định BHYT luôn thầm lặng với những con số phải đảm bảo chính xác đến tuyệt đối, vì mỗi số liệu liên quan đến quyền lợi hàng nghìn con người, đến nguồn quỹ BHYT. Chị Hoàng Thị Ngọc, giám định viên BHXH tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: "Nghề giám định quan trọng nhất là kiểm tra các chỉ định, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của bác sĩ tại các cơ sở y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh và tránh trục lợi quỹ BHYT. Vì vậy, khối lượng công việc của giám định viên BHYT rất lớn, hằng ngày giám định hồ sơ, đối chiếu giá dịch vụ, thuốc, làm báo cáo thống kê, tổng hợp”…Với hàng trăm biệt dược, hàng nghìn loại thuốc, dịch vụ y tế và số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế ngày một đông như hiện nay đòi hỏi những giám định viên cần xử lý khối lượng công việc khổng lồ hàng ngày.

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 33 giám định viên BHYT, trong đó, có 9 giám định viên thường trực tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh; 19 giám định viên thường trực tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố, số còn lại công tác tại Phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh). Đầu năm 2018, toàn tỉnh có 136 cơ sở y tế đủ điều kiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có 03 cơ sở y tế hạng 2 tuyến tỉnh; 09 cơ sở y tế hạng 3 tuyến huyện; 124 đơn vị hạng 4 gồm các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Tính đến hết 31/12/2017, có 608.193 lượt người khám, chữa bệnh BHYT, chi hơn 275.855 triệu đồng. Chỉ với những con số ấy thôi cũng đủ hiểu, những giám định viên BHYT mỗi ngày phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn và đầy áp lực, trong khi số lượng giám định viên BHYT lại rất mỏng.

Nói về những khó khăn trong bộn bề công việc của đội ngũ Giám định viên BHYT, Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh) Đồng Thị Kim Xuyến cho biết: "Nhiệm vụ của mỗi giám định viên không chỉ đơn thuần là bảo đảm đúng đối tượng khám, chữa bệnh BHYT mà còn giám định việc chỉ định thuốc và các dịch vụ kỹ thuật hợp lý. Việc này đòi hỏi đội ngũ cán bộ giám định viên BHYT phải được đào tạo không chỉ các kỹ năng tổng hợp, thống kê mà còn cần phải có kiến thức chuyên môn về ngành y. Họ cũng cần phải nắm vững các quy định mới để vận dụng thực hiện, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Để có thể giám định được một hồ sơ của bệnh nhân thì chuyên môn y khoa của giám định viên BHYT phải thực sự vững; phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức mới, phương pháp điều trị mới... Đây cũng chính là một trong khó khăn của công tác giám định BHYT tại Bắc Kạn hiện nay, khi mà số lượng công việc lớn, hồ sơ bệnh án ngày một tăng nhưng số giám định viên lại ít, trình độ chuyên môn sâu về Y – Dược còn nhiều hạn chế".

Cùng nỗ lực phát triển của toàn Ngành, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giám định BHYT điện tử nên công việc đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, bà Đồng Thị Kim Xuyến nhấn mạnh: "Việc Ngành triển khai giám định BHYT điện tử trên phạm vi toàn quốc là bước tiến lớn trong công tác giám định. Do đó, Hệ thống thông tin Giám định BHYT và cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT đã được đồng bộ đến tận tuyến cơ sở, điều này phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Giám định BHYT tra cứu thông tin quản lý thông tuyến, lịch sử khám, chữa bệnh BHYT của bệnh nhân được kịp thời".

Là người cũng có thâm niên trong công tác giám định BHYT, chị Dương Thị Thoan, Chuyên viên Phòng Giám định BHYT, là Giám định viên thường trực tại cơ sở khám, chữa bệnh, chị thấu hiểu những khó khăn, vất vả của công việc lặng thầm này. Thế nhưng, sau nhiều năm gắn bó với nghề, chị đã cảm thấy rất hạnh phúc khi bản thân và anh chị em giám định viên BHYT đã tận tâm, tận lực giám định hồ sơ bệnh án để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho các bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo. Đôi khi, một giám định viên BHYT phải mất rất nhiều thời gian để thẩm định xong một bệnh án, bởi có những ca bệnh phức tạp, chi phí lớn nên phải hết sức thận trọng. Số lượng hồ sơ nhiều, thời gian thẩm định lại quá gấp, nên nhiều khi họ phải gồng mình lên để làm. Chị Thoan tâm sự: “Công việc này chịu áp lực từ nhiều phía (phía bệnh viện, rồi phía bệnh nhân). Có nhiều bệnh nhân vì muốn đòi hỏi những lợi ích đáng ra họ không được hưởng mà tìm cách tạo áp lực cho cán bộ giám định BHYT. Thế nhưng, vì trách nhiệm với nghề, mình vừa làm đúng quy định nhưng cũng đồng thời phải có khả năng xử lý tình huống linh hoạt, hợp tình, hợp lý; không nóng vội, máy móc, rập khuôn quy tắc mà gây khó khăn, bức xúc cho người bệnh”.

Với tôi, những cán bộ làm giám định BHYT là những người thầy thuốc thầm lặng. Chúng tôi ấn tượng với những đồng nghiệp không quản vất vả nhưng đầy nghị lực, với tình yêu thương, sẻ chia với nhiều bệnh nhân nghèo, người dân tộc thiểu số ở Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Một số bệnh nhân đang điều trị tại đây cho biết, thỉnh thoảng họ vẫn được những cán bộ giám định viên BHYT mua cho suất cơm, cái bánh lúc chẳng may đói lòng, nhỡ bữa và sẵn sàng chia sẻ với người bệnh khó khăn trong quá trình điều trị cũng như trong cuộc sống. Những tấm lòng, hình ảnh tốt đẹp đó đã luôn được những bệnh nhân nơi đây khắc ghi./.

Bùi Toàn