Hiện đại hóa nền hành chính: Tăng minh bạch và tiết kiệm ngân sách
13/02/2018 10:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là hai tác dụng được các bộ, ngành và chính quyền địa phương thấy rõ khi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào chức năng chỉ đạo, quản lý, cũng như trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Dẫu vậy, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cũng chỉ ra tình trạng nơi ứng dụng tích cực, nơi thờ ơ.
Trang bị đầy đủ
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan nhà nước sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng còn nhằm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Trước nhiều lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, QH đã ban hành một số luật liên quan; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản để định hướng, xác định các yếu tố quan trọng cho triển khai công tác này.
Với sự quan tâm này, hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin được các bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức tại các bộ, ngành, địa phương đều được trang bị máy tính đáp ứng nhu cầu làm việc. 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 49 tỉnh, thành phố đã triển khai diện rộng mạng WAN, để kết nối sở, ngành, quận, huyện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu thực tế khác: Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư thích đáng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là mở mạng thông tin nội bộ. Thế giới đã bước sang giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, mà công chức, viên chức địa phương không được trao đổi trên hộp thư nội bộ, phải qua hộp thư cá nhân tự lập. “Đây là vấn đề cần quan tâm, vì việc trao đổi thông tin như vậy sẽ không chuyên nghiệp, có nguy cơ rò rỉ thông tin có tính chất mật cao”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý.
Có nhiều tác dụng
Dù sự quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương không giống nhau, nơi tích cực, nơi thờ ơ, nhưng tác dụng của việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được khẳng định ở nhiều cơ quan. Đơn cử, BHXH Việt Nam được đánh giá đứng thứ hai trong các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, khi đã triển khai mô hình một cửa trực tuyến, chứ không chỉ dừng ở dịch vụ công cấp 4. Triển khai mô hình này giúp người dân chỉ cần thực hiện thủ tục qua mạng, thậm chí không cần đến Trung tâm hành chính công để nhận kết quả. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, nhờ liên thông dữ liệu với 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh, nên BHXH Việt Nam đã tiết kiệm được khoảng 4.800 tỷ đồng, tương đương 5% kinh phí của ngành.
Kết quả tại địa phương cũng cho thấy rõ tác dụng. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vỹ Tuyến, đến nay, các sở, ngành đã triển 643 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, và 69 dịch vụ ở cấp độ 4. Một số cơ chế thí điểm được thành phố triển khai, như cấp phép xây dựng theo thẩm quyền của Sở Xây dựng, giúp rút ngắn từ 142 ngày xuống còn 42 ngày; thông tin quy hoạch 1/1200 trên smartphone để người dân, doanh nghiệp biết; thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại quận 7, rút ngắn thời gian còn 3 ngày. Năm 2017, TP Hồ Chí Minh đã cắt giảm được 18 thủ tục hành chính, và thực hiện một số hoạt động tiết kiệm cho ngân sách (gửi thư mời qua email). “Việc áp dụng một số hoạt động đã giúp Văn phòng UBND thành phố tiết kiệm 23 tỷ đồng, các quận, huyện tiết kiệm 50 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết.
Tác dụng của ứng dụng công nghệ thông tin rất rõ ràng, nhưng đại diện các bộ, ngành, địa phương tham dự cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính vẫn… tâm tư. Vì rằng, sau khi giải quyết các dịch vụ công trực tuyến, phần nhiều vẫn gửi hồ sơ, kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Tất cả bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố đã công bố thủ tục hành chính thực hiện và không thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ này. Nhưng người dân vẫn còn tâm lý e ngại, sợ mất giấy tờ gốc khi sử dụng dịch vụ, trong khi việc kết nối mạng thông tin giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính với Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam còn chậm. Để tháo gỡ vướng mắc này, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành, cải cách phương thức hoạt động ở từng đơn vị, tạo yên tâm cho người dân khi sử dụng dịch vụ.
Tác dụng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan nhà nước đã được thực tế chứng minh. Tuy vậy, còn nhiều yếu tố tác động đến việc ứng dụng công nghệ, nhất là với cơ quan ở cấp cơ sở. Các bộ, ngành cần chủ động hơn nghiên cứu kinh nghiệm, rà soát thực tế, đề xuất nhu cầu xây dựng luật, pháp lệnh với QH, để bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan.
Theo Báo ĐBND
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?