• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Trần Thùy Trang
Ngày gửi:
23/07/2021
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Chào anh/chị. Em muốn hỏi tháng 4/2021 e chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, đồng nghĩa bảo hiểm y tế của e chưa nộp từ đó đến giờ. Tổng thời gian nộp bảo hiểm của e trước khi kết thúc hợp đồng đã được 5 năm 1 tháng. Cuối năm e dự định có e bé vậy bây giờ e muốn mua bảo hiểm y tế thì anh/chị giúp e giải đáp một số câu hỏi sau với ạ: 1. Nếu mua bảo hiểm y tế tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không? 2. Nếu được hưởng, thời gian đóng tối thiểu trước khi sinh là bao lâu? 3. Có mức đóng quy định để được hưởng bảo hiểm thai sản không (nếu có)? 4. Những tài liệu giấy tờ cần chuẩn bị trước/sau khi sinh (nếu được nhận bảo hiểm thai sản) Mong anh/chị giải đáp những thắc mắc trên giúp em. Em cảm ơn anh/chị nhiều ạ. Trân trọng!

Trả lời bởi:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
31/07/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

Khoản 1 Điều 2 Luật BHYT hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2014: Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Trả lời câu hỏi của bạn nếu bạn tham gia BHYT tự nguyện hộ gia đình:

1. Nếu bạn mua BHYT tự nguyện hộ gia đình khi bạn sinh con tại cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng KCB với cơ quan BHXH và thực hiện đầy đủ thủ tục: xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh bạn được hưởng chế độ BHYT trong phạm vi mức hưởng của quỹ BHYT và quyền lợi ghi trên thẻ BHYT của bạn.

2. Bạn tham gia BHYT lần đầu hoặc sau 3 tháng thẻ BHYT của ông ty cấp cho bạn hết hạn thì khi bạn mua thẻ BHYT tự nguyện hộ gia đình có hạn sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền, khi đó bạn đến cơ sở y tế để sinh con mới được hưởng chế độ BHYT.

3. Pháp luật về BHYT không có quy định về hưởng chế độ thai sản.

          Khoản 1, 2, điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”

          Khoản 1, điều 9, Thông tư 59/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/20155 hướng dẫn chi tiết về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

 “Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.”

          Như vậy, điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con là bạn phải tham gia BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Chế độ thai sản là chế độ BHXH bắt buộc nên tại thời điểm sinh con nếu bạn tham gia BHXH tự nguyện thì bạn sẽ không được chi trả chế độ này vì BHXH tự nguyện chỉ bao gồm 02 chế độ là hưu trí và tử tuất.