• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nguyễn Cửu Bình
Ngày gửi:
05/07/2021
Lĩnh vực:
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Xin BHXH VN cho tôi hỏi: 1. Thủ tục để đăng ký hưởng BH tai nạn lao động theo điều 45, khoản 1, mục a (tai nạn trong giờ làm việc) bao gồm những giấy tờ gì (đối với NLĐ tự làm hồ sơ)?. 2. Thủ tục hưởng chế độ nghỉ dưỡng sau tai nạn thì có cần làm thêm 01 bộ hồ sơ khác ngoài hồ sơ TNLĐ không? Hay bao gồm trong bộ HS tai nạn lao động? Mong nhận được trả lời sớm nhất từ BHXH VN. Tôi xin cảm ơn

Trả lời bởi:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
16/07/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

BHXH Việt Nam trả lời các nội dung hỏi của Bạn như sau: * Về thủ tục hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ: Tại Điều 57 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định, hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động gồm có: - Sổ bảo hiểm xã hội. - Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú. - Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa. - Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động do đơn vị sử dụng lao động lập theo mẫu số 05A-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK. * Về trách nhiệm lập, nộp hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ: - Khoản 9 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định: “Người sử dụng lao động nơi xảy ra tai nạn lao động có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ về TNLĐ, BNN từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN”; 9 - Khoản 1 Điều 59 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định: “Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật này.” Như vậy, để được xem xét, giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, Bạn tập hợp các hồ sơ thuộc trách nhiệm cung cấp của người lao động (sổ BHXH, Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ đối với trường hợp nội trú, Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa) nộp cho người sử dụng lao động nơi xảy ra tai nạn lao động để người sử dụng lao động lập, hoàn thiện hồ sơ theo các quy định nêu trên nộp cho cơ quan BHXH. * Về hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ: - Điều kiện hưởng: Điều 54 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật như sau: “1.Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau: a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%; c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.” - Thủ tục, hồ sơ hưởng: Khoản 1 Điều 60 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định thủ tục hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ là Danh sách người đã hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN mà sức khỏe chưa phục hồi do đơn vị sử dụng lao động lập theo mẫu số 01B-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam. Như vậy, việc Bạn có được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ hay không phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của Bạn trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc sau khi điều trị ổn định thương tật do TNLĐ, mức suy giảm khả 10 năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ và số ngày nghỉ cụ thể do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Đề nghị Bạn căn cứ vào tình hình sức khỏe cụ thể của bản thân trong thời hạn nêu trên để đề nghị người sử dụng lao động xem xét, quyết định lập hồ sơ đề nghị cơ quan BHXH địa phương giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ.