• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nguyễn Hoài Giang
Email:
giangnh74@gmail.com
Ngày gửi:
24/02/2021
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Công ty chúng tôi quy định ngày nghỉ hàng tuần là ngày thứ 7 và chủ nhật trong Nội quy lao động được ban hành theo quy định của cấp có thẩm quyền. 1) Vậy, chúng tôi nghỉ ốm vào ngày thứ 7 thì ngày thứ 7 đó có được thanh toán hưởng chế độ ốm đau theo Luật BHXH không? Nếu được hưởng, thì ngày thứ 7 đó có tính vào ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau trong 14 ngày làm việc để chốt sổ BHXH không? nếu không được hưởng chế độ ốm đau do BHXH chi trả thì ngày Thứ 7 đó có được tính là ngày làm việc phải nghỉ việc để chốt sổ BHXH hay không? 2) Chúng tôi đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau (ngắn ngày) 30 ngày trong 1 năm rồi; trong trường hợp ngày thứ 7 được hưởng và phải chốt ở trên, thì ngày thứ 7 tiếp theo (thuộc ngày thứ 31 trở đi) tôi không được hưởng chế độ ốm đau (do quá ngày quy định) thì có tính vào 14 ngày để chốt sổ BHXH không?

Trả lời bởi:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
05/03/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

Khoản 1 Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: “Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế”. Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần, cụ thể như sau: + Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên; + Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Căn cứ các quy định nêu trên, nếu người lao động ở công ty Bạn đọc nghỉ việc do ốm đau thông thường trùng với ngày nghỉ hằng tuần của đơn vị thì không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau. Theo quy định tại khoản 3 điều 85 Luật BHXH năm 2014: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”. Ngày làm việc ở đây được hiểu là số ngày phải làm việc của người lao động trong một tháng theo nội quy, quy định của đơn vị cũng như nội dung thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thể hiện trên HĐLĐ nhưng không được trái với quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của Bộ luật Lao động. Nếu đơn vị quy định thứ 7, chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần của người lao động thì những ngày này không được tính là ngày làm việc để xét điều kiện không đóng BHXH tháng đó. Như vậy, điều kiện không phải đóng BHXH trong tháng là người lao động phải nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng lương. Thời gian không phải đóng BHXH do không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên không được tính hưởng BHXH.