• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Lê Quang Hòa
Ngày gửi:
02/10/2020
Lĩnh vực:
Thu - nộp BHXH, BHYT, BHTN
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Người lao động có ký hợp đồng làm việc nấu ăn tại Trường mầm non từ ngày 01/9/2019 đến ngày 31/5/2020 thì hết HĐLĐ sau thời gian 3 tháng nghỉ hè thì đối tượng được ký lại HĐLĐ (9 tháng) đơn vị báo tăng lao động từ ngày 01/9/2020, đến ngày 04/9/2020 đơn vị báo giảm nghỉ thai sản (người đó sinh con ngày 04/09/2020). Vậy cho tôi hỏi trong thời gian nghỉ sinh đó đối tượng có được tính là thời gian nghỉ thai sản 6 tháng hay không? Xin trân trọng cám ơn!

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam
Ngày trả lời:
12/10/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Khoản 2 Điều 39 Luật BHXH quy định: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

Trường hợp người lao động nêu trên sinh con vào ngày 04/9/2020, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh (từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020) người lao động có 9 tháng đóng BHXH (từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2020), người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

 Tuy nhiên, đối với những trường hợp có thời gian đóng BHXH dưới 12 tháng hoặc nghi vấn có dấu hiệu gửi đóng BHXH bắt buộc, nâng cao mức đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản nhằm trục lợi quỹ BHXH, cơ quan BHXH sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh tại đơn vị sử dụng lao động về việc đóng – hưởng BHXH. Trường hợp phát hiện gian lận trong việc đóng và hưởng BHXH quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật BHXH 2014 sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.