CẦN THIẾT NÂNG CAO HƠN NỮA VAI TRÒ CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG TÌNH HÌNH MỚI

22/04/2021 08:24 AM


Thực hiện Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL (sau đây gọi là Hội đồng). Sau 04 năm thi hành, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg.

Các Quyết định nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phần thuộc thành phố trực thuộc Trung ương củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, thực sự trở thành thiết chế nền tảng, quan trọng trong công tác PBGDPL. Sau khi được kiện toàn, Hội đồng các cấp đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL trên tinh thần xác định rõ hơn công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị.

Hội đồng đã tư vấn, tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL; xây dựng, ban hành, kiểm tra, đôn đốc chương trình, kế hoạch trung hạn, dài hạn về PBGDPL; xác định nội dung trọng tâm cần phổ biến, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và từng địa phương hằng năm, từng thời kỳ, gắn với xây dựng và thi hành pháp luật và cải cách thủ tục hành chính.

Đồng thời, Hội đồng các cấp đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương trong công tác PBGDPL; phối hợp, định hướng lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp trong giải quyết các vấn đề đột xuất, vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật...

Tuy nhiên, qua kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và thực tiễn thi hành Luật PBGDPL, các Quyết định nêu trên đã cho thấy một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng, như: Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa cao; sự phối hộp giữa các thành viên Hội đồng và giữa thành Hội đồng với cơ quan thường trực Hội đồng ở nhiều nơi chưa chặt chẽ... Chính vì vậy, trên cơ sở bối cảnh và yêu cầu đối với công tác PBGDPL trong tình hình mới, để khắc phục tồn tại, hạn chế, việc tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật là rất cần thiết.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP