Tăng tuổi nghỉ hưu: Bảo đảm quyền tự do việc làm của NLĐ sau độ tuổi nghỉ hưu hiện hành

18/01/2018 12:04 PM


Tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn và bảo đảm quyền tự do việc làm của NLĐ sau độ tuổi nghỉ hưu hiện hành là các mục tiêu được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cho Phương án 2 - nâng tuổi nghỉ hưu của NLĐ theo lộ trình kể từ năm 2021.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Phương án nâng tuổi nghỉ hưu của NLĐ nêu trên, hiện đang được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tại dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội năm 2018-2019 và đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ này.

Điều 187 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Thời gian qua, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu luôn được dư luận quan tâm và đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật BHXH năm 2014.

Lần sửa đổi Bộ luật Lao động này, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo Phương án 2 - tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 01/1/2021 và theo lộ trình như sau: Tuổi nghỉ hưu của NLĐ bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 01/01/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH vẫn xây dựng Phương án 1 - thực hiện tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành: Tuổi nghỉ hưu của NLĐ bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi./.

PV