BHXH Bộ Quốc phòng: Ổn định tổ chức biên chế, bảo đảm tốt công tác ASXH trong giai đoạn mới

07/11/2017 09:19 AM


Sau 9 năm tổ chức thực hiện BHXH, BHYT trong Quân đội theo Quyết định số 79/2008/QĐ-BQP ngày 29/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, công tác quản lý, tổ chức thực hiện BHXH, BHYT trong Quân đội đã có sự tiến bộ rõ rệt, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu; quyền lợi về BHXH, BHYT của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng (CNVCQP), lao động hợp đồng (LĐHĐ) và quyền lợi về BHYT của thân nhân quân nhân được bảo đảm đầy đủ, kịp thời hơn.

 

Công tác quản lý quỹ BHXH, BHYT thống nhất, tập trung, chặt chẽ. Việc thu, nộp và giải quyết chế độ BHXH, BHYT đã đi vào nền nếp từ Bộ Quốc phòng (Bộ QP) đến các đơn vị, theo đúng quy định của Luật BHXH, Luật BHYT. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy làm công tác BHXH, BHYT trong Quân đội có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tạo bước đột phá thực hiện công tác BHXH, BHYT trong Quân đội

Với số lượng lớn đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT- bao gồm cả thân nhân quân nhân, đa dạng, cư trú trên địa bàn toàn quốc, thường xuyên biến động; với mức thu BHXH hằng năm rất lớn; kết quả công tác BHXH, BHYT trong Quân đội 9 năm qua cho thấy việc thành lập BHXH Bộ QP đã thực sự tạo ra một bước đột phá trong quản lý, tổ chức thực hiện BHXH, BHYT trong Quân đội, thể hiện trên một số nhiệm vụ trọng tâm như:

BHXH Bộ QP đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ QP tham gia nghiên cứu, xây dựng các văn bản về chính sách BHXH, BHYT và các chính sách khác liên quan, bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT đối với bộ đội, Quân đội, phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự và quy định của pháp luật. BHXH Bộ QP đã đề xuất được nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác BHXH, BHYT trong toàn quân, như: Chỉ thị số 92/CT-BQP về tăng cường công tác quản lý, tổ chức thực hiện BHXH, BHYT trong Quân đội theo cơ chế mới; Kế hoạch số 787-KH/QUTW về triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” trong Quân đội; Chỉ thị số 210-CT/QUTW về việc lãnh đạo tổ chức thực hiện BHYT đối với quân nhân tại ngũ giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về triển khai thực hiện BHYT quân nhân. Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ QP, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã xây dựng Nghị quyết, ban hành các quy định, kế hoạch phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ ở cấp mình, trong từng giai đoạn; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để công tác BHXH, BHYT trong Quân đội được thuận lợi, thống nhất, nhanh chóng đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực.

Đại tá Nguyễn Văn Định - Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng.

Phát huy tốt vị trí, vai trò của mình, BHXH Bộ QP đã tích cực, chủ động tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp giúp Thủ trưởng Bộ QP triển khai tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng đang công tác trong Quân đội và thân nhân quân nhân trên tất cả các lĩnh vực: BH thất nghiệp, BHXH tự nguyện; cấp thẻ BHYT cho các đối tượng thân nhân quân nhân, thân nhân chuyên nghiệp và viên chức quốc phòng, sinh viên hệ dân sự các học viện, nhà trường quân đội, học viên đào tạo cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn bậc cao đẳng, đại học tại các nhà trường quân đội...

Công tác thu nộp BHXH, BHYT đã nhanh chóng đi vào nền nếp, đúng quy định và tiến bộ hơn hẳn so với thời gian trước đó. Hằng năm số thu đều đạt và vượt chỉ tiêu do BHXH Việt Nam giao. Gắn chặt chẽ công tác thu, nộp với cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Việc BHXH Bộ QP trực tiếp in, cấp thẻ BHYT cho các đối tượng do Bộ QP quản lý ngày càng được hoàn thiện, khắc phục được việc cấp trùng thẻ trên một đối tượng, tiết kiệm cho ngân sách. Công tác giải quyết chế độ BHXH đã xóa bỏ được khâu trung gian, cải cách hành chính, bảo đảm thực hiện nhanh chóng, thuận tiện và chặt chẽ hơn; các trường hợp vướng mắc được trao đổi kịp thời, thấu đáo nên quyền lợi của đối tượng được bảo đảm ở mức tốt nhất, hạn chế tối đa việc giải quyết kéo dài, đơn thư khiếu nại.

BHXH Bộ QP đã triển khai toàn diện Luật BHYT trong Quân đội, bao gồm các nghiệp vụ: Thu, cấp thẻ BHYT đối với CNVCQP, LĐHĐ trong Quân đội và thân nhân quân nhân tại ngũ, giám định BHYT đối với các cơ sở quân y có ký hợp đồng KCB với BHXH Bộ QP; cấp kinh phí và quyết toán chi phí KCB đối với các bệnh viện, bệnh xá.

Từ ngày 01/01/2016, BHXH Bộ QP đã phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ QP và các đơn vị chính thức triển khai thực hiện BHYT quân nhân tại ngũ theo quy định của Luật BHYT. Rút kinh nghiệm sau một năm thực hiện BHYT quân nhân (tháng 3/2017), Bộ QP đã khẳng định: Tình hình sức khỏe của bộ đội ổn định; tỷ lệ quân số khỏe duy trì ở mức cao, không có diễn biến bất thường; việc cấp cứu, điều trị trên các tuyến vẫn bảo đảm, không xảy ra sự cố bất thường; chế độ chính sách đối với quân nhân trong KCB ở mức cao, thuận lợi, không có bất cập. Các cơ sở Quân y bước đầu có điều kiện tái đầu tư một phần về trang thiết bị, điều kiện làm việc cũng như sức lao động. Qua số liệu thống kê ban đầu, năm 2016 số lượng quân nhân khám, điều trị ở tuyến cơ sở tăng 10-14%, trong khi đó tuyến bệnh viện Quân khu, Quân đoàn, TCHC giảm khoảng 5%; đã phản ánh kết quả bước đầu của việc triển khai BHYT quân nhân, góp phần tăng cường việc khám, điều trị ở tuyến cơ sở, giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên, đúng với chủ trương của Đảng, Chính phủ về chiến lược phát triển y tế trong giai đoạn hiện nay.

Theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, thực hiện theo cơ chế mới, BHXH Bộ QP đã giúp Bộ quản lý phần quỹ BHXH, BHYT sử dụng trong Quân đội được tập trung, thống nhất, chặt chẽ. Công tác quản lý, sử dụng quỹ BHXH trong Quân đội đã được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và BHXH Việt Nam ghi nhận, đánh giá tốt qua các đợt giám sát hằng năm (từ năm 2008 đến 2016). Qua đợt thanh tra diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ việc thu, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT toàn quân năm 2010 và kiểm toán tình hình quản lý thu, chi BHXH, BHYT năm 2014, được Chánh Thanh tra Bộ QP và Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá cao việc thực hiện đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật.

Ổn định tổ chức biên chế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Thực tiễn kết quả công tác BHXH, BHYT trong Quân đội 9 năm qua đã tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân, góp phần ổn định tư tưởng, tổ chức trong từng đơn vị và toàn quân. Quá trình tổ chức thực hiện đã tăng cường mối quan hệ với các bộ, ngành trung ương, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Bộ QP trong thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trong Quân đội. 

Thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/12/2012 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; yêu cầu nhiệm vụ, công tác BHXH, BHYT trong Quân đội thời gian tới triển khai rất nhiều nhiệm vụ với khối lượng lớn, đó là: Triển khai thực hiện chính sách BHYT quân nhân, bảo đảm 100% quân nhân tham gia BHYT vào năm 2018 theo quy định của Chính phủ và Bộ QP; thực hiện BHYT đối với thân nhân của CN và VCQP theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn bộ hoạt động BHXH, BHYT trong Quân đội từ cơ quan Bộ QP đến đơn vị cơ sở các ngành Cán bộ, Quân lực, Tài chính và hệ thống Quân y toàn quân; triển khai việc cấp thẻ BHXH, BHYT điện tử; giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động khi thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH, BHYT ở các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BHXH, BHYT trong Quân đội thời gian tới, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi về BHXH, BHYT đối với quân nhân, CNVCQP, LĐHĐ và thân nhân quân nhân tại ngũ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong Quân đội, thì việc giữ vững, ổn định tổ chức bộ máy BHXH trong Quân đội được coi là yếu tố là tiên quyết; đây không chỉ xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới mà còn đảm bảo tính tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT. Tại Điều 19 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP (trước đó là Điều 48 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP), quy định: Bộ trưởng Bộ QP quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của tổ chức BHXH thuộc Bộ QP.

Bên cạnh việc duy trì ổn định tổ chức biên chế, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác BHXH, BHYT, cần tiếp tục phân định rõ trách nhiệm các cơ quan chức năng Bộ QP trong tổ chức thực hiện BHXH, BHYT; trong đó Bộ QP quan tâm xây dựng, ban hành Thông tư (thay thế Quyết định số 79/2008/QĐ-BQP) quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, cơ cấu tổ chức của BHXH Bộ QP, kèm theo quy chế làm việc, phù hợp với sự phát triển của luật pháp về BHXH, BHYT và nhiệm vụ BHXH, BHYT trong Quân đội giai đoạn mới; tương đồng với cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT của Nhà nước, nhằm phân định rõ trách nhiệm các cơ quan có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT với cơ quan có chức năng giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện BHXH, BHYT trong Quân đội. Bên cạnh đó, Bộ QP cũng quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác BHXH, BHYT ở cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ có chức danh, trần quân hàm, tạo động lực để cán bộ an tâm công tác, cống hiến vì sự nghiệp an sinh xã hội trong Quân đội./.

Theo QĐND