Robot sẽ thay thế công nhân dệt may ở nước nghèo?

12/09/2017 04:19 PM


Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính, hàng loạt công nhân tay nghề thấp sẽ bị thay thế bởi robot và quá trình này dự kiến diễn ra trong 02 năm tới. Lời cảnh báo vừa được đưa ra là hơn 80% công nhân ngành dệt may ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do quá trình tự động hóa.

Sản xuất quần áo, giày dép và những sản phẩm tương tự với chi phí thấp là bậc thang kinh tế đầu tiên mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước khác đã bước lên để thoát khỏi đói nghèo sau Thế chiến II.

Trong nhiều thập niên, quá trình này đi theo một mô hình quen thuộc: Khi nền kinh tế của các nước phát triển hơn chuyển sang những ngành công nghiệp phức tạp như điện tử, thì các nước nghèo thay thế vị trí của họ trong ngành dệt may, cung cấp lao động giá rẻ.

Khi đó, các nhà sản xuất sẽ có hàng hóa rẻ tiền để vận chuyển đến các chuỗi siêu thị trên khắp thế giới, còn nước nghèo đã có thể tạo ra hàng loạt công ăn việc làm trong ngành công nghiệp, giúp người dân có thêm lựa chọn thay thế cho việc chỉ làm nông nghiệp.

Thế nhưng đến nay tự động hóa đang đe dọa chặn bước chân của họ qua việc xây dựng các cơ sở sản xuất tự động với “nhân lực” chính là robot.

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất lại có cách nhìn khác. Ngay cả khi các robot đã tham gia vào quá trình sản xuất, nhiều sản phẩm hàng hóa lớn như ô tô, máy bay phản lực, thì khả năng áp dụng tự động hóa để dệt những chiếc khăn, may các bộ trang phục vẫn không dễ dàng. May mặc là một quá trình khá tinh tế. Muốn tạo ra một chiếc áo đơn giản phải cần tới 78 khâu riêng biệt, nên để máy móc có thể thay thế được sự khéo léo của bàn tay con người là rất khó.

Hơn nữa, các doanh nhân công nghệ hiện chưa có động lực để thiết kế ra các hệ thống tự động cho một ngành công nghiệp có lợi nhuận thấp, sử dụng lao động rẻ tiền và có không nhiều vốn để đầu tư cho những thiết bị tinh xảo.

Những yếu tố này đã dẫn đến sự tự mãn trong các bộ phận của ngành công nghiệp dệt may. Ông Sahil Dhamija - chủ một công ty với 500 lao động ở Ấn Độ, chuyên sản xuất khăn tắm và ga trải giường cho biết: “Hiện nay, không có thiết bị nào có thể sản xuất những sản phẩm thủ công”.

Ông Dhamija có lẽ đã không biết, ở Atlanta (Mỹ), một nhóm chuyên gia kỹ thuật và tự động hóa đã thành lập Công ty SoftWare Automation vào năm 2007 nhằm khắc phục những khó khăn mà máy móc gặp phải trong việc chọn vải mềm và phát hiện chính xác những điểm để khâu và cắt trên vải.

Hiện tại, Sewbot (robot dệt may) có thể sản xuất các sản phẩm như khăn, gối, tấm trải giường. Công ty đang tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp để máy có thể sản xuất áo phông và cuối cùng là những mặt hàng quần áo phức tạp hơn như quần jeans và áo sơmi.

Khi quá trình tự động hóa gia tăng, không chỉ có ngành công nghiệp ở châu Á bị tác động. Nếu chi phí lao động không còn là yếu tố chính, thì không có lý do gì mà các nhà sản xuất không chuyển nhà máy tới những nơi có phần lớn khách hàng của họ, như châu Âu và Bắc Mỹ - nơi mà hàng thập niên qua, tiền lương công nhân đã quá cao để có thể sản xuất hàng dệt may.

Frederic Neumann - chuyên gia tại HSBC Holdings Plc ở Hong Kong nhận định: “Tự động hóa sẽ san bằng sân chơi. Đó là một trò chơi chiến lược khổng lồ, trong đó các chính phủ sẽ tìm cách thu hút các ngành công nghiệp để họ hoạt động ở địa phương”.

Trong cuộc chơi này, người thua cuộc có thể sẽ là những nước nghèo, vốn dựa vào nguồn nhân lực lớn để xây dựng sự thịnh vượng./.

Theo baodansinh.vn