Đóng BHXH tự nguyện bao lâu thì được lương hưu theo Luật BHXH 2024?

26/08/2024 09:54 AM


Bà Đinh Hải Huyền (Bắc Ninh) năm nay 53 tuổi, đóng bảo BHXH tự nguyện được 5 năm. Bà hỏi, nếu tiếp tục đóng BHXH tự nguyện đến năm 60 tuổi thì có được nhận lương hưu không, theo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua?

Theo quy định của Luật BHXH mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ thì kể từ ngày 1/1/2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55 tuổi 4 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Trường hợp của bà, năm nay 53 tuổi có thời gian đóng BHXH là 5 năm, nếu bà đóng BHXH tự nguyện liên tục đến khi 60 tuổi (năm 2031) thì khi đó bà có thời gian đóng BHXH là 12 năm chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí.

Do vậy, bà nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu hàng tháng đến trọn đời, khi đó bà còn được cấp thẻ BHYT miễn phí và được hưởng các chế độ liên quan của người hưởng lương hưu.

Từ 1/7/2025, đóng BHXH tự nguyện theo phương thức nào?

Căn cứ theo Điều 36 Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 quy định như sau:

Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện

1. Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Căn cứ vào điều kiện phát triển KT-XH, khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

2. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng: Hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; 

Một lần cho nhiều năm về sau với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất;

Một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện

Căn cứ theo Điều 6 Luật BHXH 2024 quy định Chính sách của Nhà nước đối với BHXH: 

- Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH. 

- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH; có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng BHXH mà bị mất việc làm.

- Ngân sách nhà nước bảo đảm các chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật này.

- Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH.

- Hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện.

- Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện KT-XH, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

- Hoàn thiện pháp luật và chính sách về BHXH; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện BHXH chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử và yêu cầu quản lý về BHXH.

- Khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Theo đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

TT (theo báo Dân trí)