Kịp thời đưa các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống

30/07/2024 02:41 PM


Sáng 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV do Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều chính sách mới, quan trọng

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày Báo cáo dẫn đề về tình hình triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Phó Thủ tướng cho biết, mặc dù số lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm trình Quốc hội tại Kỳ 7 là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay (25 luật, nghị quyết), với nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng nhưng hầu hết hồ sơ đã được chuẩn bị đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, thể chế hoá đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trong quá trình soạn thảo, trình, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, qua đó đảm bảo tiến độ, chất lượng trình như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; các dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An…

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, Chính phủ và cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được thực hiện linh hoạt, chủ động hơn, cho nên, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung Kỳ họp, trong đó có những vấn đề gấp, khó nhưng vẫn bảo đảm thông suốt.

Nội dung các luật, nghị quyết bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, với nhiều chính sách mới, quan trọng, dự kiến sẽ tác động tích cực đến việc: (i) bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ); (ii) thúc đẩy sự phát triển kinh tế gắn với chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bền vững (Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng); (iii) thể chế hoá kịp thời một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại (Luật Đường bộ); (iv) hoàn thiện cơ sở pháp lý với các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô Hà Nội (Luật Thủ đô) và một số tỉnh, thành phố.

Một số luật có thể coi là điểm nhấn quan trọng trong công tác lập pháp tại Kỳ 7 như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Đường bộ; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Kịp thời ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, của các cơ quan của Quốc hội với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thủ tướng yêu cầu bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Chuẩn bị kỹ để thực hiện các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ việc rà soát, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc rà soát, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương.

Cùng với đó, chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết.

Hội đồng nhân dân các cấp nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc cách thức phù hợp để quán triệt, triển khai luật, nghị quyết, tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho chính quyền địa phương thực hiện.

Thủ tướng đề nghị các ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của các quy định trong các dự án luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.

Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân bằng các hình thức phù hợp; vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức triển khai thi hành pháp luật; thực hiện phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật cần phát huy trách nhiệm cao nhất, làm việc có cảm xúc với tinh thần vì nước, vì dân, với tư duy, phương pháp luận phù hợp tình hình mới, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công rõ ràng nhưng phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật theo Nghị quyết số 27 của Trung ương; Thủ tướng mong muốn và tin rằng những vấn đề được trao đổi tại Hội nghị sẽ là bài học, kinh nghiệm quý, những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp; sau Hội nghị sẽ có chuyển biến tốt hơn, tích cực hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Phạm Chính