Xây dựng chính sách mới về hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo
03/06/2024 08:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp nghe báo cáo về các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt.
Đảo đảm lợi ích cao nhất cho người dân nhưng không chồng chéo, trùng lặp
Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2013-2019 cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 339.176 hộ người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 96,7%;\
Giai đoạn 2015-2020 hỗ trợ 117.427/236.324 hộ nghèo, đạt 50%; giai đoạn 2014-2021 hỗ trợ 19.032/23.797 hộ nghèo vùng lũ lụt có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 80%.
Giai đoạn 2014-2021 đã hỗ trợ 19.032/23.797 hộ nghèo vùng lũ lụt có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở (Ảnh minh hoạ: MH).
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung nêu thực tế, hiện đang có nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác nhau có nội dung về hỗ trợ nhà ở như: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững; phong trào xoá nhà tạm, nhà dột; xây nhà đại đoàn kết…
Mỗi chương trình lại thực hiện theo những quy định khác nhau khiến chính quyền địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn khi xác định, thống kê các hộ gia đình cần hỗ trợ bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp.
Ví như có gia đình vừa thuộc diện người có công, lại là hộ nghèo, ở vùng lũ lụt hoặc địa bàn thuộc diện thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo… thì việc xác định mức hỗ trợ vừa phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho người dân nhưng không chồng chéo, trùng lặp.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt còn bộc lộ nhiều bất cập hạn chế. Đó là mức hỗ trợ còn thấp, cào bằng, chưa tính tới đặc thù vùng, miền.
Tiêu chí hỗ trợ xây dựng nhà ở dừng lại ở nhà cấp 4 với 3 cứng (tường cứng, nền cứng, mái cứng). Nhà nước mới chỉ hỗ trợ người dân xây dựng, sửa chữa nhà, chưa đặt trong tổng thể quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật xã hội đi kèm như điện, đường, trường, trạm…
Cơ chế hỗ trợ trực tiếp và cho vay lãi suất thấp nên chưa phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ nghèo.
Đối tượng giống nhau thì mức hỗ trợ cũng giống nhau
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng, đúng đắn, nhân văn của các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt.
Những chính sách này đã thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, nhận được sự ủng hộ, quan tâm to lớn, cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, và toàn xã hội.
Đây là bộ phận quan trọng của chính sách xã hội để phát triển nhà ở cho người dân Việt Nam.
Việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của 3 chính sách này phải đặt trong mối quan hệ, liên kết với các chương trình, cơ chế, chính sách khác.
Tương tự, kết quả hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt không nằm ngoài mục tiêu tổng thể về hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội nói riêng, việc thực hiện các chính sách xã hội để phát triển nhà ở nói chung.
Đồng thời, cần làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân… trong việc huy động, đóng góp, sử dụng các nguồn lực dành cho hỗ trợ nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT… hoàn thiện báo cáo tổng kết; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở mới.
Các chính sách phải làm rõ phạm vi, các nhóm đối tượng được hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ cho từng nhóm như người có công, người nghèo ở địa bàn khó khăn, người nghèo...
Mức hỗ trợ được xác định dựa trên đặc trưng, đặc điểm kinh tế - xã hội của các vùng, miền như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng lũ lụt hay nông thôn ở đồng bằng, đô thị.
Phó Thủ tướng lưu ý, "phải chỉ rõ đối tượng cần hỗ trợ, nguồn kinh phí, người thực hiện, bảo đảm công bằng, thống nhất, trong điều kiện, đối tượng giống nhau thì mức hỗ trợ từ Nhà nước hay xã hội cũng giống nhau".
Đồng thời, tận dụng những chủ thể đang làm rất tốt công tác này như ngân hàng chính sách xã hội, Mặt trận Tổ quốc để tránh phân tán, dàn trải nguồn lực.
"Các chính sách phải khẳng định vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo, người còn khó khăn. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm mọi người dân được sống trong môi trường an toàn, thụ hưởng các thành quả của sự phát triển, không để ai bỏ lại phía sau", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lương Thảo
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam đứng thứ 3 nhóm bộ, ngành về chỉ số phục vụ ...
Nâng cao nghiệp vụ lưu trữ ngành BHXH Việt Nam
Ban hành danh mục mã loại giấy tờ, thủ tục hành chính thuộc ...
Lịch tiếp công dân của Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam tháng ...
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp triển khai Đề án ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?