Chủ nhật, ngày 12/01/2025
Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ y tế
28/07/2023 10:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 28/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Phó Thủ tướng Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế mang ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện các quan điểm, chủ trương, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã được thể chế, cụ thể hoá trong các luật, chiến lược đã được ban hành.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy hoạch phải thể hiện được tiến bộ, đột phá về nhận thức, giải pháp nhằm phát triển mạng lưới cơ sở y tế thành hệ sinh thái tương tác lẫn nhau - Ảnh: VGP
Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, KCB ngày càng cao của nhân dân
Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế là một quy hoạch ngành rất quan trọng, nhằm thực hiện các quan điểm, chủ trương, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã được thể chế, cụ thể hoá trong các luật, chiến lược đã được ban hành.
Vì vậy, Quy hoạch cần phân tích rõ hiện trạng mạng lưới cơ sở y tế hiện nay gồm: Những kết quả tích cực cần thúc đẩy, phát huy; các yếu kém, hạn chế do nhận thức chưa đầy đủ, chưa có sự quan tâm đầu tư thích đáng; những vấn đề mới đặt ra trong tình hình hiện nay như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đề nghị Bộ Y tế, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp thẳng thắn, khoa học, thực tiễn của thành viên Hội đồng thẩm định, uỷ viên phản biện, chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ: Thông qua Quy hoạch, ngành y tế cần xác định rõ những nhiệm vụ, mục tiêu phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, KCB ngày càng cao của nhân dân, với sự vào cuộc của xã hội, các cấp, các ngành chứ không chỉ riêng ngành y tế.
Cuộc họp đã ghi nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn, khoa học, thực tiễn của thành viên Hội đồng thẩm định, uỷ viên phản biện, chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương - Ảnh: VGP
Báo cáo của đơn vị tư vấn lập Quy hoạch đã nêu những bất cập lớn trong lĩnh vực KCB, phục hồi chức năng.
Cụ thể, khả năng tiếp cận tới bệnh viện (BV) Trung ương ở một số vùng kinh tế-xã hội rất thấp như vùng Tây Nguyên không có BV Trung ương, Đồng bằng sông Cửu Long có 14 tỉnh nhưng chỉ có 1 BV Trung ương; 80% người dân tiếp cận dịch vụ y tế cấp chuyên sâu ở tuyến Trung ương với thời gian trung bình khoảng 3,5 giờ.
Năng lực của một số BV tuyến tỉnh còn hạn chế khi có khoảng 1/3 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại BV Trung ương có thể điều trị tại tuyến tỉnh; 80% bệnh nhân đến KCB tại BV Trung ương không tin tưởng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới. Hiện chỉ có 32,8% trung tâm y tế/BV huyện, 27,6% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Uỷ viên phản biện đề nghị có định hướng rõ hơn về phát triển mạng lưới y tế dự phòng, y tế công cộng tại địa phương - Ảnh: VGP
Quy hoạch đề xuất nâng cấp, đầu tư một số BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 BV đa khoa, bổ sung 7 BV đa khoa mới ở vùng có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận BV tuyến Trung ương (Trung du và Miền núi phía bắc) và vùng có mật độ dân số cao (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), 20 BV chuyên khoa.
Bên cạnh đó, 5 BV hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành BV hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến KCB tại Việt Nam.
Định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, KCB theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân; mở rộng quy mô giường bệnh của các BV tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, Quy hoạch đưa ra phương án đầu tư, hiện đại hoá 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Trung ương, 3 CDC vùng, nhằm khắc phục tình trạng thiếu đơn vị điều phối cấp quốc gia để kết nối giữa các CDC tỉnh/thành phố và mạng lưới CDC quốc tế. Năng lực cho các CDC tỉnh cũng cần được cải thiện mạnh mẽ khi 32% đơn vị không chẩn đoán được mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm, 75% có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2…
Quy hoạch cũng đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, kiểm định và hiệu chuẩn trang thiết bị y tế; tăng cường năng lực cơ sở giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần, mạng lưới cơ sở y tế trong lĩnh vực dân số (sản/sản nhi, lão khoa)…
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là người dân được tiếp cận thuận lợi tới các dịch vụ y tế, bao gồm cả chuyên sâu và cơ bản; có sự kết nối giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia với mạng lưới cơ sở y tế địa phương, kết nối với khu vực và quốc tế; đảm bảo an ninh y tế, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp; kế thừa, tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng hiện có, tránh lãng phí, có tính khả thi. Quy hoạch đảm bảo sự phát triển theo hướng tiên tiến và hội nhập quốc tế về chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao đổi về một số nội dung trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP
Bảo đảm sự phát triển thống nhất của hệ thống y tế quốc gia
Đóng góp vào dự thảo Quy hoạch, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Uỷ viên phản biện đề nghị có định hướng rõ hơn về phát triển mạng lưới y tế dự phòng, y tế công cộng tại địa phương; chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu; có cơ chế phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân; mở rộng đối tượng tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ với nhiều loại hình đa dạng… phù hợp với mô hình bệnh tật mới.
Trong khi, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng Quy hoạch này phải là căn cứ để thiết lập các quy hoạch phân ngành để bảo đảm sự thống nhất, chính thể của mạng lưới y tế quốc gia; đồng thời làm rõ nhu cầu nguồn vốn đầu tư cũng như các dự án để thực hiện, nhất là danh mục dự án ưu tiên được xác định theo tiêu chí, nguyên tắc cụ thể.
Một số đại biểu cũng thảo luận về các giải pháp đặc thù, đột phá trong cơ chế quản trị BV, quản lý tài chính, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển y tế ngoài công lập…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhận định nội dung liên quan đến mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở như trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện, y học cổ truyền, còn mờ nhạt, cần bổ sung, gia cố thêm.
Đại diện UBND TP. Hà Nội, TPHCM đề xuất Quy hoạch tích hợp, bổ sung, lồng ghép với quy hoạch chung, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Vừa bao trùm, toàn diện, vừa trọng tâm, trọng điểm
Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới y tế quốc gia. Đây là nhiệm vụ khó, vừa phải nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, KCB cho người dân, vừa thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Thông qua Quy hoạch, ngành y tế cần xác định rõ những nhiệm vụ, mục tiêu phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, KCB ngày càng cao của nhân dân - Ảnh: VGP
Phân tích về định hướng quy hoạch BV ngành theo hướng chuyên sâu hay chuyển về địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, thống nhất phương pháp luận, cơ sở khoa học, tiêu chí để sắp xếp đúng vị trí, vai trò của các cơ sở y tế trong mạng lưới.
Trao đổi một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng sau đại dịch COVID-19 làm bộc lộ không ít bất cập, hạn chế về tính khả thi, chưa tổ chức thực hiện thành công quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trước đây, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế tuyến cơ sở, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y học cổ truyền…
Quy hoạch cũng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, phạm vi hoạt động của các cơ sở công lập, ngoài công lập; các tuyến y tế Trung ương, vùng, địa phương; định hướng cho địa phương đưa ra tiêu chí tái cơ cấu tổ chức, tăng cường năng lực của y tế cơ sở (y tế dự phòng, y tế trường học, y học cổ truyền…); kết hợp hoạt động quân dân y trong các cơ sở y tế của quân đội, công an.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Không cào bằng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý tự nhiên của từng vùng, từng địa phương. Đơn cử, những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đi lại không thuận lợi, Nhà nước phải đầu tư hệ thống cơ sở y tế đầy đủ, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tuyến khác với các thành phố, đô thị lớn, vùng nông thôn có nhiều cơ sở công lập, ngoài công lập, giao thông thuận tiện.
Thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hoá y tế
Nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của khu vực y tế ngoài công lập, Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch phải tạo đột phá về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những cản trở hiện nay, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xã hội hoá y tế, nhất là tại khu vực có trình độ phát triển, người dân có nhu cầu cao và khả năng chi trả các dịch vụ KCB theo yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để người dân có thể tiếp cận từ xa những bác sĩ giỏi nhất, phương pháp điều trị tốt nhất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; khuyến khích thành lập các trung tâm cấp cứu tư nhân; phát triển y tế thành một ngành kinh tế thông qua việc xây dựng những trung tâm phức hợp nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng công nghệ cao trong một số lĩnh vực đột phá về kỹ thuật điều trị, sản xuất dược phẩm…
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?