UBTVQH cho ý kiến về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

26/04/2022 08:38 AM


Ngày 25/4, tiếp tục Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP).

UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nhiều giải pháp trong THTK, CLP

Báo cáo của Chính phủ về THTK, CLP do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, trong công tác chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2021, đề ra 07 nhiệm vụ trọng tâm, 06 nhóm giải pháp, nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, năm 2021, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành là thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ, kết quả đạt được là cơ bản, nhưng vẫn còn bất cập, kết quả đạt được chưa cao; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, dịch bệnh gây đứt gãy nguồn cung khiến việc kiểm soát lạm phát trong nước tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật THTK, CLP; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh COVID-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu NSNN đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán). Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP.

Về nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2022, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp. Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, bảo đảm việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong THTK, CLP với các hình thức đa dạng nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác này đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền.

Tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý ngân sách nhà nước; vốn đầu tư công; nợ công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động...

Thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát THTK, CLP. Chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng NSNN và các nguồn tài chính được giao, công khai thông tin về nợ công và các nội dung đầu tư công theo quy định pháp luật. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về THTK, CLP.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

Tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý gắn THTK, CLP với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính của các cấp, các ngành gắn với THTK, CLP trong các lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp tại Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 ban hành kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP, tập trung một số lĩnh vực nóng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tiết kiệm chi hơn 70.000 tỷ đồng

Gợi ý một số vấn đề lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, báo cáo của Chính phủ cho thấy tiết kiệm chi hơn 70.000 tỷ đồng là con số rất lớn, song đề nghị nêu chi tiết hơn tiết kiệm từ đâu, nơi nào tiết kiệm để luận giải, minh chứng.

Ví dụ cắt giảm chi thường xuyên bao nhiêu, tiết kiệm chi đi công tác nước ngoài thế nào; bộ ngành, địa phương nào nổi bật nhất... và cần viết thẳng vào nội dung báo cáo chứ không phải chỉ ghi chú, việc lần đầu tiên vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế, trước càng nói giảm lại càng tăng nên Chính phủ không quyết liệt thì làm sao có được con số tích cực như báo cáo, do đó cần phải nhấn mạnh hơn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong công tác THTK, CLP năm 2021, được thể hiện khá toàn diện trên các lĩnh vực mà pháp luật quy định cũng như các nhóm giải pháp đề ra cho năm 2022.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát, nêu rõ một số tồn tại và hạn chế để có cái nhìn khách quan và đánh giá toàn diện hơn, xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong công tác này để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về THTK và CLP, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị báo cáo cần phân tích bổ sung thêm về các nhiệm vụ giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong năm tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, nguồn ảnh: quochoi.vn

Đồng thời cho biết, "điểm nghẽn" lớn hiện nay là các dự án treo và giải quyết các vướng mắc về hướng dẫn các quy định của pháp luật về đất đai, nhất là việc tính giá đất sát với giá thị trường. "Nhiều nới không dám ký giao đất, khi xây dựng phương án giá đất cũng nhờ Kiểm toán Nhà nước, nhưng Kiểm toán Nhà nước cũng không thể xác định được giá đất cho thực sự sát giá thị trường. Giải pháp là sớm sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục vấn đề này", đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Cần cụ thể hơn các giải pháp

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết, việc xử lý sau khi có kết luận của thanh tra, nhiều địa phương hỏi các bộ, ngành nhưng chậm được hướng dẫn, trả lời dẫn đến việc thu hồi tài sản bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu trong báo cáo trình Quốc hội. Bởi đây là báo cáo có phạm vi, lĩnh vực rộng nên cần cố gắng nổi bật những cái mới, nổi trội, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hơn 40 nghị định, Bộ Tài chính ban hành 126 thông tư. Đặc biệt là đã trao đổi kịp thời với Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thay đổi định mức và đơn giá cho các công trình xây dựng, giao thông trước tình hình giá cả vật liệu tăng nhanh như hiện nay để bảo đảm các công trình trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với giải pháp của Chính phủ được nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, Chính phủ cần cụ thể hơn các giải pháp như về rà soát các quy định trong lĩnh vực mua sắm công, cổ phần hoá, lĩnh vực đất đai và khoáng sản, khắc phục phân bổ dự toán chậm, giải ngân đầu tư công chậm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ngân sách…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung thêm những kết quả đạt được, việc chưa làm được, các bộ, ngành và địa phương làm tốt THTK, CLP; những nơi làm chưa tốt, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác này.

PV (Theo VGP)