Nỗ lực, quyết tâm phục hồi nhanh và phát triển bền vững
05/04/2022 10:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế-xã hội, chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, đầu năm 2022, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ những định hướng, gợi mở, chỉ đạo quan trọng, sát sao, toàn diện, xuyên suốt cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 và thời gian tới.
Sau 3 tháng, Hội nghị trực tuyến hôm nay được tổ chức để đánh giá tình hình triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội,… trọng tâm là thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP
Thủ tướng nêu rõ, so với thời điểm tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 5/1, tình hình hiện nay đã có nhiều diễn biến mới khác, phức tạp, khó lường. Tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.
Xung đột ở Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa. Cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới, chi phí logistics và lạm phát ở nhiều nước tăng cao.
Ở trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế bộc lộ khi tình hình có những biến động. Vi phạm pháp luật liên quan tới bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề nổi lên.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã bám sát tình hình để có giải pháp linh hoạt, phù hợp. Quan điểm của Việt Nam về tình hình Ukraine được bạn bè, đối tác quốc tế chia sẻ. Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực đưa người dân từ Ukraine có nhu cầu về nước và đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác này.
Cũng trong quý I, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 1,92% với các giải pháp tích cực, chủ động, linh hoạt về thuế, phí, giá… Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu năng lượng, cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần tiếp tục giám sát, thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý, làm lành mạnh hóa thị trường.
Lãnh đạo các Bộ, Ngành tham dự buổi họp.
Quý I năm 2022 vừa khép lại với nhiều tín hiệu rất tích cực, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế, bất cập. Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện trách nhiệm, hiệu quả, chúng ta mới đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung phân tích, mổ xẻ những việc đã và chưa làm được trong quý I, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức chính đối với Việt Nam hiện nay (cả nội tại lẫn tác động bên ngoài); giải pháp tháo gỡ, những trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng lưu ý một số nội dung cụ thể như việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, kéo dài; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển.
Đồng thời, tập trung trí tuệ, nhìn lại những kinh nghiệm đã làm vừa qua, trên cơ sở đó đánh giá khách quan, trung thực, đúng tình hình, chỉ ra nguyên nhân được và chưa được, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp từ nay đến cuối năm để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 tháng 10/2021./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
BHXH huyện Yên Bình: Thi đua tạo động lực phát triển
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?